CSGT TP.HCM xử lý nhiều người say trong đêm đầu tiên ra quân

Tối 15-5, Đội CSGT Tân Sơn Nhất, thuộc Phòng PC08 Công an TP.HCM đã thành lập tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn đội đảm trách.
22 giờ, có mặt tại giao lộ Phan Đình Phùng - Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), tổ CSGT phối hợp với cảnh sát cơ động đã dừng hàng loạt xe máy di chuyển trên đường Phan Đăng Lưu hướng từ quận Bình Thạnh về Tân Bình.

Nhiều người say nhưng vẫn tuân thủ quy trình xử lý của CSGT. Ảnh: LÊ THOA

"Say mà lái xe là sai rồi"
Tại đây, CSGT đã đeo găng tay và thực hiện đo nồng độ cồn đối với các lái xe. Chỉ trong một giờ đồng hồ, 7/22 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị CSGT lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ xe.
Theo ghi nhận của PV, một số trường hợp người vi phạm có cồn nhưng tuân thủ quy trình xử lý. Bên cạnh đó, một số trường hợp người say xỉn có biểu hiện chây ì, làm khó tổ công tác.
Ông Phan Hoàng T. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0.344 mg/lít khí thở. Khi bị CSGT dừng xe, ông T. nói ngay “Tui biết tui say rồi, tui uống một chai rồi mà”. Ông T. thừa nhận với CSGT rằng "Say mà lái xe là sai rồi. Tui biết mà".

Ông Phan Hoàng T. thừa nhận mình đã say khi bị CSGT dừng xe. Ảnh: LÊ THOA

Anh Nguyễn Long G. (35 tuổi, quê Hải Phòng) có nồng độ cồn 0.4 mg/lít khí thở cho biết đã uống gần một lon bia và đang trên đường đi giao sầu riêng. “Tôi đi từ Bình Thạnh sang Phú Nhuận để giao sầu riêng, trên đường đi giao thì được mời uống một ly bia. Sau này tôi sẽ rút kinh nghiệm hơn” - anh G. nói.
Anh G. cũng trần tình rằng trước giờ không có thói quen nhậu nhẹt. Tuy nhiên, nay mới uống gần một lon thì đã bị phạt. Anh G. còn nói đã nghe thông tin về đợt tổng kiểm soát của CSGT TP và rất ủng hộ lực lượng chức năng.
Đòi CSGT đo nồng độ cồn lần 2 không được thì bỏ đi… vệ sinh
Bên cạnh những trường hợp vi phạm nhưng chấp hành quy trình xử phạt thì một số thanh niên lại muốn né tránh lực lược CSGT.
Khi dừng đèn đỏ trên đường Phan Đăng Lưu thì thanh niên Đặng Xuân M. (quê Nghệ An) bị CSGT dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Qua vài lần hướng dẫn, M. mới lấy đủ hơi để thổi vào ống đo do CSGT mới bóc ra.

Thanh niên Đặng Xuân M. nhiều lần đề nghị CSGT đo lại vì không tin vào kết quả cồn lần đầu. Ảnh: LÊ THOA

Kết quả mức cồn hiển thị 0.422 mg/lít khí thở, CSGT đề nghị M. ký tên vào phiếu thông tin được in từ máy đo nồng độ cồn nhưng M. không chịu và đòi CSGT được đo lại một lần nữa.
M. nói: “Em sợ máy này đo không đúng”, dù đã được CSGT nhiều lần khẳng định thiết bị đo nồng độ cồn được Bộ Công an cấp.
Sau khi trình CMND thì M. vẫn liên tục đề nghị CSGT được đo lại nhưng không được chấp thuận. Lúc này, M. có điện thoại, sau khi nghe xong, thanh niên này lẳng lặng để lại xe và bỏ đi về hướng cây xăng gần đó.
Khoảng 10 phút sau, M. đột nhiên quay lại và phân trần: “Tại hồi sáng em bị bắt rồi mà giờ bị bắt lần nữa. Hồi sáng em cũng không mang giấy tờ”. Khi được hỏi tại sao lại bỏ đi lúc đang xử lý vi phạm thì M. nói: “Em đi vệ sinh”.
Trường hợp của M., CSGT đã dành nhiều thời gian để giải thích về hành vi vi phạm Nghị định 100 và hướng dẫn cách đóng phạt.

Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị CSGT tạm giữ xe. Ảnh: LÊ THOA

Ngoài ra, trường hợp của anh Nguyễn Minh H. (43 tuổi, ngụ quận 10) cũng bỏ đi giữa chừng, buộc Trung tá Đỗ Minh Hiếu, Phó Đội trưởng Đội CSGT Tân Sơn Nhất, phải ra để … "vỗ về".
Anh H. có nồng độ cồn 0.561 mg/lít khí thở. Khi biên bản được lập xong, chờ người vi phạm ký tên thì anh H. đột ngột đi gọi điện thoại cho người thân để… trợ giúp nhưng không được. Anh H. ngồi thụp xuống, dựa vào bờ tường ở cây xăng, cách nơi CSGT làm việc khoảng vài mét.
Thấy anh H. đã khá say, Trung tá Đỗ Minh Hiếu, Phó Đội trưởng Đội CSGT Tân Sơn Nhất, phải ra thuyết phục anh H. ký biên bản rồi hôm sau đóng phạt.

Quyết liệt xử lý vi phạm cồn

Sáng 15-5, Trung tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng PC08, cho biết trong đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn TP, CSGT sẽ chú trọng xử phạt nồng độ cồn theo Nghị định 100. Vì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

“Chúng tôi sẽ quyết liệt để xử lý vấn đề này” - Trung tá Quới khẳng định.

Theo Trung tá Quới, từ đầu năm đến nay, TP.HCM cùng cả nước thực hiện phòng chống dịch bệnh, các nhà hàng, quán nhậu đóng cửa nên vi phạm nồng độ cồn cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, lực lượng CSGT vẫn luôn cảnh giác, duy trì kiểm tra, xử lý hành vi này thường xuyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm