Giá cả luôn niêm yết trên ghe, ánh mắt hồn hậu và nụ cười rạng ngời là đặc sản của chiếc ghe nhỏ của bà Bùi Thị Xong (78 tuổi) ở xóm đỗ ghe gần chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam).
40 năm gắn với bến sông Hoài
ẩn đằng sau nụ cười và bàn tay gầy guộc, nhăn nheo ấy là bao câu chuyện về một cuộc đời cơ cực, bần hàn nhưng căng tràn niềm vui cuộc sống.
Trên chiếc ghe nhỏ tròng trành bơi dọc sông Hoài, bà Xong kể bà lớn lên trong một gia đình đông con ở thôn 7, phường Cẩm Nam (Hội An) nên 13 tuổi đã theo cha lên thuyền ra biển mưu sinh. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bà cùng gia đình chạy loạn lên thôn 2 thì gặp ông Đỗ Tới (chồng bà bây giờ).
Yêu mến vẻ đẹp của người phụ nữ đã ngoài 30 tuổi, ông Tới trốn quân dịch để hẹn ngày hòa bình sẽ cưới bà về làm vợ. Năm 1976, khi chiến tranh kết thúc thì ông bà cưới nhau. “Hồi đó, hơn 30 tuổi đã tính là ế nên cứ nghĩ chạy giặc xong sẽ về lại quê cũ. Vậy mà ổng kiên quyết giữ lại cho bằng được. Chắc do ổng mê tôi quá” - bà cười giòn tâm sự.
Để lo lắng cho mái ấm và ba đứa con nhỏ, ông Tới theo bạn thuyền đi biển, còn bà ra bến đò chèo ghe chở khách ra cảng mua cá. Khoảng bốn năm lại đây, cảng cá được quy hoạch vào bờ, còn ông Tới sức khỏe cũng đã già yếu nên hai vợ chồng bàn nhau ra chèo ghe chở du khách đi dọc sông Hoài ngắm cảnh. Suốt gần 40 năm gắn với cái nắng, cái gió của xứ biển nên làn da bà chắc giòn, nụ cười luôn thường trực trên môi.
Cứ 8 giờ sáng hằng ngày, hai ông bà lại chèo ghe lên sông Hoài chờ khách. “Có ngày bơi 4-5 chuyến (50.000 đồng/chuyến), có ngày chẳng được chuyến nào. Cực thì cũng có cực nhưng vui thì nhiều hơn vì chèo ghe thế này mình được gặp người này người kia để trò chuyện, khoe về Hội An của mình. Mình hãnh diện với công việc của mình lắm” - bà Xong nói.
Nói rồi bà Xong kể về những ngày cơ cực của đời mình. “Đứa con lớn của vợ chồng tôi kém may mắn vì bị gù ở lưng nên nay dù đã ngoài 40 tuổi nhưng cứ như đứa trẻ mãi không chịu lớn. Vợ chồng tôi lo cho nó lắm, mai này không biết khi tôi với ông ấy nằm xuống thì lấy ai lo cho nó”. Nhưng rồi bà lại tự trấn an mình rằng may mà hai vợ chồng còn có sức khỏe.
Suốt buổi trò chuyện, lúc nào trên gương mặt đầy vết chân chim nhưng phúc hậu của bà luôn rạng rỡ nụ cười. “Sống trên đời phải vui vẻ, có vui thì mới vượt qua được những khó khăn, cơ cực. Lầm lũi kiếm sống thì ai cũng cực nhưng cực rứa cũng chưa đáng là bao vì cạnh mình còn có chồng, có con, có bà con chòm xóm, có sức khỏe là sẽ vượt lên được hết” - bà Xong lại cười tươi.
Bà Xong chèo ghe chở khách với nụ cười luôn nở trên môi.
Du khách thích thú chụp ảnh “cụ bà đẹp nhất thế giới”. Ảnh trong bài : TẤN TÀI
Cuộc hạnh ngộ yêu thương
Cách đây năm năm (năm 2011), khi bơi ghe đưa một du khách người Pháp đi ngắm cảnh, bà đã có cuộc hội ngộ với nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle. Suốt 30 phút bơi thuyền dọc sông, Réhahn bị cuốn hút, mê mẩn với nụ cười duyên dáng và sự vui tính của bà Xong.
Cuộc trò chuyện tù mù chữ được chữ mất của hai con người xa lạ bỗng chốc trở nên gắn bó. “Réhahn bảo tôi không có răng, rồi đưa máy ảnh lên chụp nhưng tôi ngại quá nên lấy tay che miệng” - bà Xong lý giải về bức ảnh vừa đoạt giải.
Cụ kể tiếp ngày đó hai vợ chồng chỉ có chiếc ghe cũ rách, thường xuyên bị đục nước, cứ đi một quãng là phải cúi xuống tát nước ra kẻo chìm. “Thấy hoàn cảnh của tôi như vậy, Réhahn mới hỏi nguyện vọng lớn nhất của tôi là gì. Tôi cũng thật thà nói: “Cô chỉ mong có chiếc ghe mới để làm ăn”. Cứ nghĩ là Réhahn hỏi chơi thôi, ai dè khoảng hai tháng sau thì có người bên Cẩm Kim gọi tôi đến nhận chiếc ghe mới do Réhahn đặt đóng. Tôi hạnh phúc lắm, có lẽ đó là món quà lớn nhất trong đời mà vợ chồng tôi từng được nhận”.
Sau lần đó, Réhahn cũng thường xuyên lui tới thăm chiếc ghe của hai vợ chồng già lái đò bên sông Hoài. Với ông bà, Réhahn trở thành đứa con thứ tư trong gia đình. “Mới đây, Réhahn đưa bức ảnh đến và báo được giải to. Tôi quá bất ngờ vì cứ nghĩ còn bao nhiêu người đẹp hơn mình, dễ chi được như rứa” - nói rồi bà lại cười hồn hậu.
Lần đầu tiên trong đời hai vợ chồng bà mới được ra khỏi những con phố cổ, trầm mặc của Hội An để ra Hà Nội cùng Réhahn nhận giải. “Lần đầu tiên vợ chồng tôi được đi chơi xa, được đi máy bay và còn được nhận hoa nữa.
Khi ra Đại sứ quán Pháp cũng đúng vào ngày 8-3 nên họ tặng hoa cho tôi và nói là “món quà dành cho người đẹp nhất thế giới”. Tôi cũng xúc động lắm bởi lần đầu mới biết đến ngày Quốc tế phụ nữ, có cả hoa nữa, rồi lại còn được mệnh danh là người đẹp nhất, tôi mừng nhưng cũng hơi thẹn” - bà Xong nói rồi nhìn ông Tới cười ngượng ngùng.
Ông Tới cũng chia sẻ thêm: “Ngày xưa tôi thương bà vì tính nết hiền lành, lúc nào cũng cười vui vẻ với mọi người. Trong xóm ai cũng thương và khen bà đẹp. Ngày con gái răng bà ấy trắng lắm, giờ già nên răng rụng hết rồi”. Nói rồi hai ông bà cùng kể về chuyến thăm thủ đô lần đầu tiên trong đời mình, được đi nhiều nơi lắm, nơi nào cũng đẹp, đường rộng lắm... Nhưng khi được hỏi nếu có cơ hội ra Hà Nội hoặc một TP lớn nào khác để sinh sống ông bà có đi không thì cả hai ông bà đều lắc đầu bảo lỡ yêu Hội An rồi.
“Nổi tiếng thì cũng phải làm mới có ăn...”
Dù đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Xong khiến ai cũng phải ngưỡng mộ về vẻ đẹp của mình. Sự lạc quan, nghị lực sống toát lên bởi nụ cười của bà. Nụ cười ấy khiến người ta phải định nghĩa lại hoàn toàn về cái đẹp. Con người đẹp nhất là khi họ sống lạc quan và luôn mỉm cười.
Sau khi nhận giải thưởng, bà Xong lại trở về với công việc thường nhật mà mấy chục năm qua đã gắn bó. Dù không nói được tiếng Anh nhưng khách Tây tìm đến ghe của bà rất đông. “Khách Tây thích đi ghe tôi lắm. Trên ghe có treo giá đàng hoàng, không có vòi vĩnh để xin thêm. Xin tiền kiểu như rứa nhỏ nhen quá, họ khinh mình rồi không đi ghe nữa. Có nhiều người mình mời nhưng họ không đi thì thôi, mắc chi mà bực bội” - bà nói. Với người nước ngoài, ngôn ngữ giao tiếp của bà là ánh mắt và nụ cười. Còn khi gặp khách du lịch trong nước hoặc có hướng dẫn viên thì chuyến ghe dọc sông Hoài cũng có phần vui nhộn hơn bởi cách nói chuyện rôm rả, đậm chất xứ Quảng của bà.
Tuổi già, cứ trái gió trở trời lại đau. Nhưng với bà, ngày nào còn mạnh, không đi chèo ghe thì uổng. Có lao động mới khỏe, mới vui được. “Có người gặp tôi nói: “Chu choa sao bà nổi tiếng rồi còn bơi đò chi vậy?”. Tôi nói nổi tiếng thì cũng phải làm mới có ăn chứ. Tôi cũng tính chèo ghe cho đến lúc nào không còn sức nữa mới nghỉ. Có lao động vậy mới vui” - bà nói. Từ ngày chèo ghe chưa có vị khách nào phàn nàn hay giận dỗi gì bà.
Cũng từ ngày nổi tiếng, du khách khi đi ngang ghe đều ghé vào xin chụp chung với bà vài pô ảnh làm kỷ niệm. Nhiều người còn đứng chờ cả tiếng đồng hồ để gặp bà cho bằng được.
Nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle và bà Bùi Thị Xong (nhân vật trong tác phẩm Hidden Smile - Nụ cười ẩn giấu) tại lễ trao tặng bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dịp 8-3 vừa qua. Ảnh: V.THỊNH Bức ảnh Réhahn chụp bà Xong trên sông Hoài được đăng trên trang du lịch của báo Los Angeles Times (Mỹ) và ảnh bìa trong cuốn sách mang tên Vietnam, mosaic of contrasts (Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản). Tấm ảnh này được báo Mỹ bình chọn là bức ảnh “cụ bà đẹp nhất thế giới”. |