“Chỉ vì người dân vứt rác làm cản trở dòng chảy, phát sinh mùi hôi mà phải cải tạo kênh Hiệp Tân, quận Tân Phú từ mương hở sang cống hộp là chưa phù hợp” - từ năm 2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã nhận định như thế về đề xuất lắp đặt cống trên kênh Hiệp Tân. Tới nay, UBND quận Tân Phú lại tiếp tục đề nghị ghi vốn để giải quyết ô nhiễm trên dòng kênh này cũng bằng biện pháp lắp cống.
Lắp cống để che ô nhiễm
Theo đề xuất của UBND quận Tân Phú, để giải quyết tình trạng cấp bách về ô nhiễm, cần phải lắp đặt cống hộp trên tuyến kênh Hiệp Tân. Tổng mức đầu tư dự án này lên đến 190 tỉ đồng, do ngân sách của TP chi trả.
Lắp đặt cống để giải quyết ô nhiễm kênh rạch cũng là cách mà UBND huyện Cần Giờ - một huyện ngoại thành, nơi nguồn nước sông, kênh rạch còn ít ô nhiễm đang muốn áp dụng. Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Cần Giờ, hiện trên địa bàn huyện có 21 tuyến kênh rạch bị bồi lắng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, huyện Cần Giờ đề nghị Sở GTVT TP và Trung tâm Chống ngập chấp thuận chủ trương cho san lấp và lắp đặt cống thoát nước trên các tuyến kênh này ngay trong năm 2014.
Một tuyến kênh trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp đang được lắp cống hộp để giải quyết ô nhiễm. Ảnh: TRUNG THANH
“Với lý do giải quyết ô nhiễm, chỉnh trang đô thị, trong thời gian qua các quận, huyện đã thực hiện nhiều dự án lắp đặt cống hộp. Hiện rất nhiều tuyến kênh rạch ở các quận nội thành đều được lắp đặt cống, biến kênh hở thành đường đi. Tuy nhiên, cách làm này cần phải được đánh giá một cách toàn diện hơn trên cơ sở các lợi ích về môi trường, kinh tế-xã hội. Riêng chuyện huyện Cần Giờ, một huyện ngoại thành, có hệ thống kênh rạch phong phú, lại tiếp giáp với sông lớn, thậm chí cả biển mà cũng muốn lấp kênh rạch là rất khó hiểu, rất khó chấp thuận” - một cán bộ của Sở GTVT nói.
Được ít, mất nhiều
“Đặc thù tự nhiên, sinh thái và thổ nhưỡng tại huyện Cần Giờ là phải có hệ thống kênh rạch. Việc san lấp và lắp đặt cống thay thế kênh rạch tự nhiên sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái. Do vậy, giữ lại hệ thống kênh rạch là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho huyện Cần Giờ” - Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM nhận định sau khi được Sở GTVT TP yêu cầu hỗ trợ về xử lý ô nhiễm kênh rạch ở huyện Cần Giờ.
Trung tâm này còn nhấn mạnh: “Vấn đề ô nhiễm kênh rạch ở huyện Cần Giờ hiện chủ yếu do ý thức của người dân và cách quản lý ở địa phương còn chưa tốt. Nếu san lấp và đặt cống hoàn toàn thì về lâu dài cũng không giải quyết được bài toán ô nhiễm”.
Theo ThS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc lắp cống để giải quyết ô nhiễm dễ được người dân đồng tình, nhất là với những người sống hai bên bờ kênh. Nhưng đây không phải là cách giải quyết căn cơ vì ô nhiễm vẫn còn đó. “Vấn đề mấu chốt là làm sao để người dân không còn xả rác xuống kênh. Lắp cống rồi mà người dân vẫn vứt rác khắp nơi thì rác lại chảy xuống cống, gây ngập nghẹt, hôi thối thêm” - ông Phi nói.
Điều quan trọng hơn, theo ThS Hồ Long Phi, thời gian qua TP đã và đang thực hiện rất nhiều dự án lớn để xử lý nước thải như Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (đã hoạt động), Nhà máy Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Nhà máy Tham Lương-Bến Cát, Nhà máy Tây Sài Gòn... Mục đích nhằm hoàn trả diện tích mặt nước, hoàn trả sự trong xanh cho những dòng kênh. Do đó, việc giải quyết ô nhiễm bằng cách lắp cống sẽ đi ngược lại chủ trương này.
“Nhiều người cho rằng lắp cống sẽ làm cho cảnh quan đô thị đẹp hơn. Nhưng đó chỉ là cảnh quan mang tính cục bộ, phục vụ riêng cho người dân ở khu vực đó. Còn để lại kênh rạch là giữ gìn cảnh quan chung cho cả cộng đồng. Ví dụ dễ hình dung nhất đó là tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Nếu giải quyết ô nhiễm bằng cách lắp cống trên tuyến kênh này thì TP đâu có một không gian xanh mà hàng triệu người dân đang tận hưởng như hiện nay” - ông Phi phân tích thêm.
TRUNG THANH
Gây khó cho chống ngập Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Chống ngập TP, nhấn mạnh: Quan điểm của trung tâm cũng giống như chủ trương của UBND TP là cần giữ lại hệ thống kênh rạch hở. “Kênh rạch hở bao giờ cũng thoát nước tốt hơn cống hộp. Mặt khác, theo chỉ đạo của TP, trung tâm đang thực hiện quy hoạch hệ thống hồ điều tiết phân tán để chống ngập. Trong đó có phương án tận dụng kênh rạch hở để làm nơi chứa nước. Việc lắp đặt cống tràn lan khắp các kênh rạch sẽ làm cho công tác chống ngập trong tương lai gặp khó khăn” - ông Long nói. |