Trước kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM dự kiến khai mạc vào sáng 4-12, cử tri TP đã gửi gắm nhiều tâm tư, bức xúc và kiến nghị với mong muốn được các cơ quan chính quyền giải quyết thấu đáo.
Nhiều góc đường ở quận 1 thiếu vắng hẳn bạt che, dù quay, trân mình dưới cái nắng chói chang. Ảnh: Đ.TRANG
Tháo dỡ chốt dân phòng không đúng quy định?
Bà Nguyễn Thị Xuyến (phường Tân Định, quận 1) nêu bức xúc của người dân về chủ trương tháo dỡ các bạt che mưa che nắng đối với hộ gia đình trên các tuyến đường ở quận này. Bà cho rằng đây là một chủ trương chưa phù hợp lòng dân, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây bất tiện cho các hộ dân, hộ kinh doanh và nó cũng không làm ảnh hưởng đến lối đi của người đi bộ.
“Vừa qua các đội trật tự đô thị thông báo phải tháo dỡ các dù che, bạt quay này là sự vô cảm trước người dân. Mong lãnh đạo TP xem xét lại, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện, ảnh hưởng đến phòng cháy chữa cháy và ảnh hưởng đến người đi bộ thì kiên quyết tháo dỡ, còn những chỗ nào để được thì giải quyết cho người dân” - bà Xuyến kiến nghị.Cử tri Xuyến cũng đề cập đến việc chốt dân phòng khu phố 3 tại 25 Trần Khát Chân (phường Tân Định) đã bị ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1) tháo dỡ mà không báo trước để khu phố tự tháo dỡ.
“Đây là trụ sở sinh hoạt của khu phố, bị cưỡng chế tháo dỡ là không đúng quy định. Khu phố đã có kiến nghị quận cho xây lại trụ sở trên phần đất đã được cấp cho phường làm công sản. Tháng 5-2017, phường Tân Định có thông báo tiến độ xin xây lại trụ sở gửi quận nhưng đến nay vẫn chưa biết Sở Xây dựng có cho phép hay không” - bà Xuyến bức xúc và kiến nghị lãnh đạo TP quan tâm giải quyết vấn đề này để khu phố có trụ sở để sinh hoạt.
Ông Nguyễn Xuân Cường (quận 3) cũng quan tâm đến vấn đề lập lại trật tự lòng lề đường. Ông cho rằng cần phải xem xét và điều tra nghiên cứu chỗ nào bà con có thể kinh doanh và chỗ nào không kinh doanh được và công khai thời gian kinh doanh để đường phố sạch đẹp và để tăng thu nhập cho các hộ nghèo.
Cử tri Đặng Tùng Lâm (quận 3) cũng đặt vấn đề về giải tỏa lòng lề đường như quận 1: Khi có cán bộ cùng “xuống đường” thì tốt nhưng khi không xuống mà giao cho phường làm thì không thực hiện được.
“Như vậy có chống lưng không? Có bảo kê không? Tôi chắc chắn có. Tôi đề nghị HĐND TP chỉ đạo sâu sát vấn đề này thì mới xây dựng được TP văn minh hiện đại” - ông Lâm nói.
Cử tri quận Tân Bình đề nghị TP.HCM nên nghiên cứu về quy hoạch kinh doanh ngành hàng trên một số tuyến đường như mô hình ở Hà Nội có các tuyến phố hàng hóa như phố hàng lược, hàng dầu...
Nâng đường chống ngập không khả thi?
Bên cạnh lập lại trật tự lòng lề đường, cử tri TP.HCM cũng quan tâm nhiều đến kẹt xe, ngập nước... Cử tri quận Tân Bình đề nghị các sở, ngành TP cần có sự phối hợp trong việc tham mưu cho UBND TP trong việc quy hoạch, phát triển đô thị phù hợp và đồng bộ với cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết có hiệu quả tình trạng kẹt xe đang diễn ra rất nghiêm trọng tại TP. Đề nghị có giải pháp cụ thể, khoa học nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Vợ ông Nguyễn Minh Quang (đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) đã lớn tuổi, mỗi lần ra khỏi nhà phải bắc ghế như thế này. Ảnh: LÊ THOA
Ông Nguyễn Vinh Lợi (quận 4) cho rằng TP.HCM muốn đạt được các mục tiêu đề ra thì phải giải quyết được hai vấn đề là kẹt xe và ngập nước.
Ông Lợi cho rằng kẹt xe là nỗi bức xúc của người dân TP suốt nhiều năm qua. Dù TP đã có nhiều cố gắng trong đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết tình trạng này nhưng do lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh khiến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
“Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, bên cạnh việc triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông công cộng và quan trọng nhất cần phát triển các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới ở vùng ven một cách hiệu quả để giãn dân tại trung tâm TP” - ông Lợi kiến nghị.
Đối với tình trạng ngập nước, ông Lợi cho rằng các cơ quan chức năng cần xác định nguyên nhân gây ngập, việc nâng đường chống ngập là giải pháp không khả thi. Cần có những giải pháp hiệu quả và mang tính lâu dài hơn.