‘Cục giải cứu nông sản’ giúp được gì?

Từ đầu năm 2017 đến nay đã diễn ra hàng loạt cuộc giải cứu nông sản “bất tận” như chuối, dưa hấu, bí đỏ… Trong đó có cả cuộc giải cứu khủng hoảng thừa thịt heo được xem là kéo dài nhất, quy mô lớn nhất. Nhưng kết cục những cuộc giải cứu này không đạt hiệu quả như mong muốn, nông dân vẫn phải bán nông sản của mình với giá thấp, thua lỗ kéo dài.

Nhằm giải cứu nông sản Việt một cách căn cơ, Bộ NN&PTNT vừa chính thức ra mắt Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Mục tiêu chính của đơn vị này là chuyên lo đầu ra cho nông sản Việt, điều phối các hoạt động phát triển thị trường; làm đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản.

Coi thị trường là mệnh lệnh

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá khâu chế biến, thị trường hiện nay còn yếu và chuỗi giá trị chế biến còn tách rời với thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng phải giải cứu hết nông sản này lại đến nông sản khác. Trong khi đó thị trường thế giới biến động khôn lường, nhất là thị trường hàng nông sản.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản có ý nghĩa hết sức quan trọng. “Sau khi ra đời cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) và nông dân để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường. Đặc biệt phải coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, không có thị trường thì không sản xuất. Khai thác triệt để thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa” - ông Cường nhấn mạnh.

Muốn không giải cứu nông sản bất tận thì phải hiểu thị trường. Trong ảnh: Xử lý chuối để xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Thực tế giải cứu nông sản là một điệp khúc buồn của ngành nông nghiệp Việt Nam và nó diễn ra triền miên từ năm này sang năm khác mà chưa tìm ra lối thoát. Vì vậy, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, kỳ vọng cơ quan giải cứu nông sản sẽ đem lại hiệu quả đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là thịt heo vốn đang gặp nhiều khó khăn. Bởi nguyên nhân khiến giá heo rớt thảm kéo dài chủ yếu do cung vượt cầu nhưng một phần còn do yếu tố cạnh tranh thị trường không lành mạnh.

“Ví dụ, có hiện tượng một số công ty lớn của nước ngoài đang tìm cách khống chế thị trường chăn nuôi Việt Nam, lũng đoạn rồi tiến tới độc quyền thị trường. Nếu không xử lý được vấn đề này thì việc phát triển thị trường khó đạt được như mong muốn. Do vậy sự ra đời của cơ quan giải cứu nông sản là cần thiết” - ông Đoán nói.

Đừng để “bình mới rượu cũ”

Dưới góc nhìn của một người trực tiếp bán hàng cho người nước ngoài, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho rằng để không xảy ra tình trạng “bình mới rượu cũ” thì cơ quan giải cứu nông sản phải có những người am hiểu thị trường, biết tìm kiếm thị trường. Đặc biệt những người này phải biết nhu cầu thế giới đang cần gì; Việt Nam lợi thế so sánh gì, sản phẩm của nước ta sản xuất đang nằm ở đâu, cạnh tranh với sản phẩm các nước khác trên thế giới ra sao. Còn nếu thành lập “cục này, cục nọ” mà chỉ đứng hô hào, ra lệnh cho bà con trồng cây này, nuôi con kia thì bất khả thi.

“Muốn làm được như vậy thì Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần sự tư vấn, tham gia của các đơn vị đang trực tiếp xuất khẩu cũng như các chuyên gia giỏi về thị trường. Ví dụ, tập hợp các công ty đang xuất khẩu rau quả đi Nhật, Mỹ, Trung Quốc lại để phân tích nhu cầu của khách hàng, lượng hàng cần xuất khẩu… để đáp ứng” - ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng lấy ví dụ năm 2018, các DN cần 1.000 tấn nhãn xuất khẩu thì cơ quan trên phải kết nối giữa DN với nông dân để cùng ký kết xây dựng vùng trồng tập trung và hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo nguồn cung chất lượng, quy hoạch đồng bộ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhận định nếu Cục Phát triển thị trường chỉ quan tâm đến giải cứu đầu ra, xúc tiến thương mại mà quên cái gốc là chất lượng và tính đồng nhất của sản phẩm thì bán sản phẩm cũng rất khó. Bởi một số mặt hàng nông sản Việt hiện nay chưa đạt chuẩn. Ví dụ, muốn kiếm trái xoài vừa đẹp, thơm, ngon… vừa không có chất bảo quản để xuất khẩu thì hơi khó.

Từ thực tế trên, ông Bình gợi ý: “Đơn vị giải cứu nông sản ngoài tổ chức, kết nối sản xuất còn phải tìm hiểu các nước xem họ đang thiếu sản phẩm gì. Ví dụ, mùa này nước A không có thanh long, không có xoài thì thông báo DN biết để sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời tổ chức cho các công ty xuất khẩu có nhu cầu sang thị trường trên để tìm hiểu, ký kết hợp tác”.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cũng cho rằng để giải cứu bền vững thì đừng nên chờ sự việc đã rồi mới ra tay mà phải giải cứu ngay từ đầu. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần phối hợp chặt để hiểu thị trường nước ngoài. Đơn cử Bộ Công Thương thông qua thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tìm hiểu người tiêu dùng nước họ thích gì, tiêu chuẩn ra sao, các đầu mối nhập khẩu là ai… Sau đó Bộ Công Thương chuyển thông tin thị trường về cho Bộ NN&PTNT để xử lý, triển khai vào thực tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng đối với Việt Nam, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và ổn định xã hội. Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển nền nông nghiệp từ thiếu ăn sang đáp ứng đủ nhu cầu lương thực và xuất khẩu. Riêng năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỉ USD, trong đó 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như: Nền sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ lẻ với trên 10 triệu hộ nông dân nên năng suất lao động thấp so với khu vực thế giới; Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

________________________________

Làm ngược

Phát triển thị trường là khâu yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Đáng lẽ cần phải xác định thị trường rồi mới tổ chức sản xuất, tức là phải sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng thì chúng ta lại đang làm ngược lại.

TS VÕ MAI, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm