Tại cuộc họp báo ngày 28-1, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết đơn vị này đã khuyến nghị UBND Hà Nội, Thanh tra Chính phủ xem xét, rà soát việc ban hành, thực hiện nội quy tiếp công dân, trong đó có nội dung kiểm soát việc người dân ghi âm, ghi hình.
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)
Trao đổi vớiPLO, ông Đồng Ngọc Ba cho biết Cục đã nghiên cứu vấn đề báo chí phản ánh và thấy đến nay 62/63 tỉnh thành và nhiều bộ đã ban hành nội quy tiếp công dân. Trong số này, 28 địa phương và một số bộ có nội dung người dân không tự ý quay phim, chụp ảnh… khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Về thẩm quyền, việc người đứng đầu cơ quan hành chính ban hành nội quy là đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân. Nội quy được ban hành dưới thể thức văn bản hành chính, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra, kết luận theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với loại văn bản này, trường hợp dư luận phản ứng, có ý kiến khác nhau thì trách nhiệm rà soát, kiểm tra trước hết của chính cơ quan đã ban hành, cũng như cơ quan quản lý nhà nước về công tác tiếp dân là Thanh tra Chính phủ.
Vì vậy, theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cùng với việc tự rà soát, Thanh tra Chính phủ nên báo cáo Thủ tướng để có giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, vừa bảo đảm tính tôn nghiêm, văn minh tại trụ sở tiếp công dân.
Bình luận về chủ đề gây tranh cãi này, TS Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Pháp luật hành chính - nhà nước, Đại học Luật Hà Nội cho rằng cơ quan, tổ chức có quyền ban hành nội quy áp dụng trong phạm vi đơn vị mình. Nội quy phải gắn với mục đích hoạt động của cơ quan, tổ chức đó.
Cụ thể, nội quy trụ sở tiếp dân là gắn với công tác đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Nội quy không thể bao hàm quy định cấm hay hạn chế quyền cụ thể của người dân khi việc cấm, hạn chế đó chưa được luật định. Với trường hợp này, luật không có quy định nào có tính chất hạn chế quyền ghi âm, chụp ảnh, ghi hình của người dân khi thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
“Đây đó có thể xảy ra việc người dân ghi hình, chụp ảnh để kích động, gây mất trật tự. Vậy thì chỉ cần quy định cấm chung các hành vi có tính chất gây rối, chứ không nên và cũng không thể liệt kê các cách thức, hành vi cá biệt. Bởi như vậy có thể gây cảm giác cơ quan hành chính sợ công khai, minh bạch, hạn chế quyền giám sát của người dân”, TS Hòa nói.