Sáng sớm, theo con đường nhỏ dưới chân núi Bà Đen chạy về hướng đông nam, chúng tôi tìm được một ngôi nhà nhỏ nằm lẻ loi dưới chân núi (khu vực này thuộc xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh). Ở đây đã có hơn chục chiếc xe máy của khách thập phương gửi để lên núi. Một người đàn ông gầy ốm xưng tên Lâm Văn Hoa giới thiệu mình là người trông coi các hang đá linh thiêng. Ông chỉ dẫn cứ đi theo các mũi tên vẽ trên các phiến đá sẽ lên được các hang núi thiêng. Ông hẹn đến trưa sẽ lên chỉ cách cúng lễ.
Cúng bái khắp nơi
Con đường dẫn lên núi cheo leo, lổm nhổm đá xanh, đá trắng. Trên các phiến đá có các dấu mũi tên vẽ bằng sơn chỉ dẫn đường lên các hang núi. Có ba hang chính được nhiều người tìm đến cúng bái, cầu nguyện, thấp nhất là hang Gạo, rồi đến hang Chén, hang Hàm Rồng.
Mới leo được chừng 300 m đã thấy nhiều đàn cúng bày biện khắp nơi. Trên một phiến đá lớn, bằng phẳng bên đường, người ta đặt một bát nhang nhỏ, chai rượu và bình hoa còn tươi rói. Rải rác khắp nơi, có rất nhiều bàn thờ trên đá như vậy.
Ông Hoa giải thích về sự linh thiêng của “cậu Bảy”. Ảnh: HN
Một phiến đá khác có dòng chữ bằng sơn viết nguệch ngoạc: “Bảy anh hùng liệt sĩ hy sinh”. Lên chút nữa, thấy trên một tảng đá lớn có đặt một tấm bia đá ghi “liệt sĩ Trương Công Phượng”. Bên cạnh là bát nhang, đĩa, ly cúng, bình bông.
Có những phiến đá lớn nằm giữa những bụi cây gai um tùm, vậy mà không hiểu bằng cách nào, người ta cất được một cái miếu nhỏ ở đó. Dấu vết cúng bái ở khắp nơi.
Lên đến hang Gạo đã thấy chân nhang cắm chi chít xung quanh các phiến đá ngoài cửa hang. Theo nhiều người địa phương, trước đây hang này là nơi giấu lương thực của các chiến sĩ đóng trên núi. Sau năm 1975, nó trở thành nơi tạm trữ lương thực của người dân làm rẫy trên núi nên được đặt tên là hang Gạo, chẳng biết vì cơn cớ gì nó bỗng thành hang thần và người ta nườm nượp lên cúng bái.
Từ hang Gạo, chúng tôi leo gần một tiếng đồng hồ mới lên được tới hang Chén. Cách hang Chén không xa là hang Hàm Rồng. Đây là hang nổi tiếng nhất đối với người hành hương vì đây là nơi “cậu Bảy” ngự và chứng giám lòng thành của những người lên núi.
Hang Hàm Rồng nằm giữa lưng chừng núi, quay mặt về hướng nam, miệng hang to rộng. Đứng ngoài cửa hang nhìn vô có thể thấy la liệt các bệ thờ, bàn thờ. Trang trọng nhất giữa “chính điện” là “cậu Bảy” - vị thần núi của người hành hương. Theo nhiều người đi cúng, trước đây núi này do Linh Sơn Thánh Mẫu cai quản nhưng nay đã “bàn giao” lại cho “cậu Bảy”, tức vị thần bên núi Cậu ở Bình Dương. Nhưng lý do tại sao “bàn giao” thì không ai biết, chỉ nghe nhiều người đồn thổi như thế. Bức tượng “cậu Bảy” đã bị gãy một chân, chỗ gãy được phủ một tấm vải đỏ.
Người “trụ trì” hang núi thiêng
Hơn 11 giờ trưa, ông Lâm Văn Hoa lên tới hang Hàm Rồng, quét dọn và làm nghi thức cúng. Ông đốt một bó nhang lớn, lạy khắp nơi. Sau đó ông hướng dẫn cách cúng, phải tới lạy “cậu Bảy” ba lạy, sau đó lạy các bàn thờ khác rồi quỳ trước “cậu Bảy” khấn nguyện. Ông nói muốn xin khấn gì phải thành tâm, “cậu Bảy” sẽ chứng giám hết.
Ông dặn: “Lần sau lên nhớ mang theo thuốc và rượu cúng cho “cậu Bảy”, ở đây các vị ghiền rượu và thuốc còn hơn tui nữa. Có người lên đây xin hoài không được, tui bắt xuống mua bao thuốc và chai rượu mang lên xin mới được”.
Bình thường, ông Hoa ở lại luôn trên hang Hàm Rồng, đêm uống rượu và đốt lửa chống lại cái lạnh căm căm. Ông Hoa cho biết ông chỉ xuống núi để né khi ngành chức năng đi kiểm tra. Vừa qua, ông làm mất điện thoại khi say rượu nên các “hiền huynh” (cách ông gọi một số người quen thường lên núi cúng) không liên lạc được, ông phải hạ sơn để dẫn người hành hương lên núi.
Ông Hoa đã lên các hang núi này bảy năm nhưng mới chỉ làm “trụ trì” hang núi này gần một năm nay, khi người “trụ trì” cũ rời hang đá đi đâu không rõ.
Ông Hoa say sưa nói về sự linh thiêng của “cậu Bảy”: ““Cậu Bảy” là thần núi ở đây, thiêng lắm. Ai leo lên được tới đây đều được “cậu Bảy” chứng hết. Tui đã đưa nhiều hiền huynh lên đây cúng, họ ở lại đây mấy ngày rồi mới về. Xin lộc được lộc, xin con được con, xin gì được đó. Ở Sài Gòn và Bình Dương lên đây nhiều lắm”.
Hỏi về cách soạn lễ cúng, ông Hoa cho biết: Chỉ cần mang thuốc lá, rượu, trái cây, hoa tươi lên núi. Còn lại các lễ khác thì không cần, “cứ đưa tiền cho tui, tui cúng giùm cho. Có người cúng gạo, vác gạo lên đây không nổi”.
Trang thờ “72 vị thần Rồng, 49 vạn thiên binh chiến sĩ anh hùng” bên góc trái hang Hàm Rồng nghi ngút hương khói và đầu thuốc lá. Ông Hoa giải thích: “Có một người ở Bình Dương được cậu báo tin nên đã làm trang thờ này rồi thỉnh lên hang núi thờ. Trên núi này có tới gần 50 vạn thiên binh chiến sĩ, nhiều lắm nên ai cầu cũng được chứng hết”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn ở lại qua đêm cúng nhiều ngày để tỏ lòng thành, ông Hoa nói: “Thôi, đến tết hoặc ra Giêng hãy lên. Lúc đó công an không đi kiểm tra. Giờ này ở lại lạnh lắm”. Cúng xong ông lại bàn thờ thỉnh lễ (tức là lấy tiền cúng bỏ vô túi) rồi lại xuống núi uống rượu và chờ các “hiền huynh”!
Tự dưng thành hang thờ!
Một cặp vợ chồng trẻ ở thị trấn Gò Dầu (Tây Ninh) mang theo bó nhang lớn đi cúng khắp các hang núi và trên các bàn thờ dọc đường đi. Người chồng tên Trung cho biết anh lên núi để cầu làm ăn được thuận lợi. Anh chia sẻ: “Tui đi núi mấy năm nay rồi. Nghe nói ở đây linh dữ lắm, người ta đi cúng đông lắm, có người đội heo quay, vác gạo lên đây trả lễ”.
Ông Hoa trước đây làm nghề giữ vườn, vô gia cư, thu nhập lúc có lúc không. Từ ngày làm “trụ trì” hang núi, ông sống khỏe, ngày nào cũng uống rượu nhờ tiền của bá tánh cúng lễ.
Các hang núi linh thiêng thu hút khách thập phương nhưng với nhiều người làm rẫy lâu năm ở đây thì đó chỉ là những hang đá tự nhiên. “Đó là hang đá bình thường thôi, hồi xưa người ta đi làm rẫy vô trú mưa và cất đồ ở đó. Tự dưng giờ thành hang thờ rồi người ta kéo tới đây” - ông Hai Danh, một người làm rẫy dưới chân núi, cho biết.
Năm vừa rồi chúng tôi có xử lý hai vụ thờ cúng trái phép trên núi. Còn năm nay chúng tôi chưa nhận được tin báo, cũng chưa phát hiện được gì. Qua phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ lên kiểm tra tình hình trên đó. Ông LÂM THANH SANG, Phó Trưởng Công an xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh |
HOÀNG NGUYỄN