Loại vũ khí mà tốc độ vượt qua 5 lần tốc độ âm thanh (Mach5 – tương đương 6,000 km/h) thì được gọi là vũ khí siêu thanh. Tốc độ của thứ vũ khí này có ý nghĩa rất quan trọng trong quân sự, vì nó có thể nhanh chóng tấn công mục tiêu ở cự ly rất xa trong thời gian rất ngắn.
Trong vòng 6 tiếng, một vũ khí siêu thanh có thể bay một vòng quanh trái đất. Do đó, chế tạo thành công loại vũ khí này được các chuyên gia quân sự gọi là kết quả mang tính cách mạng lần thứ 3 trong lịch sử hàng không, tiếp theo động cơ cánh quạt và phản lực.
Gần đây, Bộ quốc phòng Mỹ đã trao một hợp đồng trị giá 44 triệu USD cho tập đoàn Miltec, có trụ sở tại thành phố Huntsville bang Alabama, để chế tạo hệ thống vũ khí siêu thanh AHW cho lục quân Mỹ.
Đây là một thiết bị bay hình nón có bánh lái, dưới lực đẩy của tên lửa nó có thể đạt độ cao 90km, sau đó dùng vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh (Mach 5) để tấn công mục tiêu có kích cỡ khoảng 9m.
AHW đã thử nghiệm thành công với cự ly 2.400 dặm Anh (3.860 km) vào năm 2011, kế hoạch bay thử lần 2 sẽ được tiến hành vào tháng 8 năm nay, năm 2019 có thể sẽ được tiến hành thử nghiệm lần 3.
AHW là dự án khoa học triển khai trong chương trình tấn công nhanh toàn cầu (PGS) của Bộ quốc phòng Mỹ. PGS sớm đã được Mỹ sử dụng vào việc tấn công các mục tiêu nhạy cảm như cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu và tấn công chớp nhoáng trùm khủng bố vào đầu thế kỷ 21.
Ngoài Mỹ ra, hiện nay Nga, Ân Độ, Trung Quốc cũng đang chạy đua về lĩnh vực phát triển công nghệ và vũ khí siêu thanh.
Năm 2012, phó tổng thống Nga Dmitry Rogozin cho biết, Nga đang triển khai công tác nghiên cứu công nghệ siêu thanh. Với sự kế thừa các thành tựu công nghệ của Liên Xô cũ, khẳng định là Moscow không hề thua kém Washington trong lĩnh vực chạy đua tốc độ.
Nga cũng đã từng công bố máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới PAK-DA mang theo tên lửa siêu thanh, kế hoạch của họ là sẽ phát triển một máy bay nguyên mẫu thực hiện nhiệm vụ tấn công vũ khí siêu thanh vào năm 2020.
Trung Quốc cũng là nước đã tham gia vào cuộc chạy đua tốc độ siêu thanh này với các cường quốc vũ khí khác. Ngày 9-1-2014, Bắc Kinh đã thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh mà cơ quan tình báo Lầu Năm Góc gọi là WU-14 giống với hệ thống AHW của Mỹ.
Không chịu thua kém với các ông lớn vũ khí khác, Ấn Độ cũng đang tích cực phát triển vũ khí tốc độ vượt siêu thanh, tốc độ của tên lửa siêu thanh tấn công mặt đất BrahMos “Block II” sẽ đạt tới Mach 7, trở thành loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm.
Theo nhận định, một khi xuất hiện vũ khí tốc độ siêu thanh, nó có thể phá vỡ cả mạng lưới phòng không được bố trí dày đặc và hiện đại nhất. Rất nhiều quốc gia đều đã đưa lĩnh vực vũ khí siêu thanh trở thành lĩnh vực cạnh tranh đỉnh cao về khoa học kỹ thuật quân sự với các cường quốc khác.
Hiện nay, chưa thể nói trước cường quốc nào có thể hoàn thiện công nghệ này để chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn sử dụng công nghệ trên chiến trường, nhưng chắc chắn là ai làm chủ được lĩnh vực này trong tương lai, thì có thể chiếm lĩnh được vị trí số một thế giới về sức mạnh quân sự.