Ngày 27-8, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đối với 24 bị cáo trong vụ hút cát lậu trên biển Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Bị cáo Trương Văn Chinh và 22 đồng phạm bị đưa ra xét xử về các tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; rửa tiền; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn bị cáo Trịnh Văn Hưng (cựu cán bộ công an) bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều hành hút cát lậu qua điện thoại
Khai tại toà, bị cáo Chinh cho biết để phục vụ cho quá trình kinh doanh vận tải nên đã đi thuê tàu với giá từ 60 triệu đến 90 triệu đồng/tháng/tàu. Trường hợp thuê cả tàu, cả nhân công (thuyền trường, thuyền viên) thì khoảng 200 triệu đồng/tàu/tháng. Là bạn bè với Trương Văn Thắng nên Chinh đã nhờ Thắng tìm kiếm tàu để thuê và mua các phương tiện hút cát.
Về các con tàu sau khi thuê xong, Chinh khai đã hoán cải các máy hút trên tàu, lắp thêm các máy hút cát để phục vụ cho quá trình khai thác.
Để phục vụ cho quá trình khai thác cát, Chinh khai đã nhóm Zalo “Hội AE miền Bắc” và “Tàu cát miền Bắc” với thành viên là các thuyền trưởng và chỉ đạo, điều hành quá trình hút cát qua điện thoại. Khi chỉ đạo tàu đi hút cát, Chinh sẽ ám hiệu bằng tin nhắn “đi nhậu” và không đi hút cát sẽ nhắn “nghỉ nhậu”.
Tại toà, bị cáo Chinh còn cho biết có 8 tàu thuộc nhóm hút cát do mình quản lý và việc hút cát phụ thuộc vào thuỷ triều. Sau khi hút cát về thì bán cho bị cáo Võ Thanh Tâm, tổng số tiền bán cát thu về được khoảng từ 1,7-3 tỉ đồng.
"Bị cáo thừa nhận khai thác tài nguyên, hút cát là sai khi chưa được cấp phép khai thác mà đã điều các thuyền trưởng để đi khai thác"- bị cáo Chinh nói.
Cựu cán bộ Công an khai về số tiền 3 tỉ
Liên quan đến tội đưa hối lộ của bị cáo Trịnh Văn Hưng, bị cáo Trương Văn Thắng khai sau khi các tàu bị CSGT đường thủy bắt thì bị cáo Chinh đã gọi điện cho mình để xử lý ở mức phạt hành chính, không bị thu tàu. Sau đó, Thắng đã liên hệ Bùi Văn Cường để nhờ trợ giúp thì được Cường báo chuyển trước 500 triệu để xử lý.
Về phía Bùi Văn Cường, bị cáo này khai sau khi được Thắng gọi điện nhờ giúp đỡ thì qua các mối liên hệ kết nối với Trịnh Văn Hưng (cựu cán bộ công an) và được Hưng phản hồi giúp đỡ lo lót với chi phí 3 tỉ đồng.
Trước lời khai này của Cường, bị cáo Thắng cho biết khi được Cường báo chi phí lo lót là 3 tỉ đồng thì chưa chốt, chưa đồng ý ngay vì bản thân không biết cụ thể ai, làm gì và lo lót ra sao. Thắng chỉ chuyển trước 500 triệu cho Cường và chuyển thêm 300 triệu để Cường có tiền xăng xe, chi phí đi lại xử lý công việc cho mình. Thắng không thừa nhận đồng ý chi 3 tỉ đồng để lo lót.
Tại tòa, Trịnh Văn Hưng khai bản thân không biết Bùi Văn Cường mà chỉ biết Cường thông qua một người bạn thân. Về thời điểm gặp Cường và Thắng tại quán nhậu tại Hà Nội, Hưng không thừa nhận buổi gặp đó là để bàn bạc và nhận lời lo lót tàu cho Chinh.
Bị cáo Hưng cũng phủ nhận việc đồng ý giúp lo lót tàu cho Chinh và báo chi phí 3 tỉ. Bị cáo này chỉ thừa nhận đã nhận 400 triệu từ Bùi Văn Cường chuyển cho mình và nói bản thân nhận thức đây chỉ là quan hệ dân sự (VKS truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Cáo trạng xác định, sau khi tàu bị bắt, Chinh thông qua bị can Trương Văn Thắng và Bùi Văn Cường để nhờ Trịnh Văn Hưng (cựu cán bộ Cục Hậu Cần, Bộ Công an) lo lót giúp để các tàu chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, không bị tịch thu tàu và được Hưng báo chi phí lo lót 3 tỉ đồng.
Ngày 9-5-2022, Chinh chỉ đạo Bùi Văn Bản (cháu Chinh) chuyển 3 tỉ đồng cho Trương Văn Thắng. Sau đó, Thắng chuyển cho Cường 500 triệu đồng. Cường đã chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản của Trịnh Văn Hưng.
Theo VKSND TP.HCM, Hưng không quen biết, không có khả năng tìm gặp người có chức vụ quyền hạn, có thẩm quyền để giải quyết. Sau khi nhận tiền, Hưng sử dụng vào mục đích cá nhân. Từ đó, Hưng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.