Cựu giám đốc sở: Nhận 300 triệu từ Nhật Cường là theo 'truyền thống văn hóa'

 Video: Cựu giám đốc sở: Nhận 300 triệu từ Nhật Cường là theo 'truyền thống văn hóa
Chiều 27-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

"Ông Chung chỉ đạo rất quyết liệt"

Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, ông Nguyễn Văn Tứ, cựu giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội được xét hỏi liên quan đến việc dừng gói thầu số hóa năm 2016.

Sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, HĐXX tiến hành thẩm vấn các bị cáo. Ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội được yêu cầu đưa ra phòng cách ly.

Các bị cáo tại tòa ngày 27-12

Theo cáo buộc, ông Tứ tiếp nhận chỉ đạo của ông Chung, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền dừng thầu gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định pháp luật. Bị cáo còn chỉ đạo về việc thêm yêu cầu vào hồ sơ mời thầu nhằm tạo lợi thế cho liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Trước tòa, cựu giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết thủ đô thực hiện gói thầu số hóa với mục đích tạo nên cơ sở dữ liệu doanh nghiệp điện tử, góp phần hình thành chính phủ điện tử. Gói thầu có hai nội dung quan trọng: số hóa toàn bộ hồ sơ kinh doanh mà Sở đã tiếp nhận nhưng chưa số hóa, sau đó lưu trữ toàn bộ hồ sơ lên cơ sở dữ liệu lưu trữ kinh doanh.

Tính đến thời điểm trước khi đóng thầu (16-5-2016), có bốn nhà thầu nộp hồ sơ, không bao gồm Công ty Nhật Cường. Tuy nhiên, bị cáo nhận được lần lượt ba cuộc điện thoại của ông Chung, yêu cầu dừng thầu. Lý do ông Chung đưa ra vì Sở thực hiện không đúng quy định, đồng thời phải đưa công nghệ mới, hiện đại của CHLB Nga vào sử dụng.

Ông Tứ nhiều lần nói rằng ông Chung “chỉ đạo rất quyết liệt”, còn nói rằng nếu không dừng để đưa công nghệ mới vào thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hơn thế, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm quản lý bởi UBND TP, mà chủ tịch TP là người trực tiếp phụ trách, do đó ông Tứ “không còn cách nào khác ngoài việc chấp hành”, dù ông nhận thức rằng gói thầu số hóa này hoàn toàn đủ các điều kiện để mở thầu.

Sau khi nhận được chỉ đạo từ chủ tịch Hà Nội, ông Tứ yêu cầu cấp dưới triển khai theo quy định. Việc này được thể hiện trong thông báo kết luận giao ban của Sở.

“Việc dừng không phải là theo mong muốn hay ý chí của Sở KH&ĐT hay cá nhân tôi. Nếu biết thiệt hại như cáo trạng truy tố thì chắc chắn tôi không bao giờ dừng” – bị cáo khai.

Cuối phần xét hỏi với ông Tứ, HĐXX hỏi bị cáo thấy việc chỉ đạo của ông Chung là đúng hay sai? Không trả lời trực tiếp, cựu giám đốc Sở KH&ĐT nói về mặt luật pháp thì sẽ do tòa phán xét. Còn bị cáo là cấp dưới, ông Chung là cấp trên, chỉ đạo rất quyết đoán. Thời điểm năm 2016, ở TP Hà Nội, ông Chung khi ấy như là một “ông trời”. Bị cáo nói tới đây, HĐXX liền ngắt lời vì “lan man”.

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội

Nhận tiền vì “truyền thống văn hóa”

Cũng theo cáo trạng, trong thời gian Sở KH&ĐT sửa đổi hồ sơ mời thầu, Lê Duy Tuấn (giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) trực tiếp đến gặp ông Tứ, đề xuất tạo điều kiện giúp đỡ Công ty Nhật Cường tham gia, trúng thầu.

Về cáo buộc này, cựu giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội phủ nhận. Ông Tứ nói từ lúc về làm giám đốc sở đến thời điểm ký văn bản báo cáo thí điểm, ông không tiếp xúc trực tiếp với bất cứ ai thuộc Công ty Nhật Cường hoặc Công ty Đông Kinh. “Duy nhất tôi chỉ nhận được chỉ đạo của Chung” – bị cáo khẳng định.

Tuy nhiên, ít phút sau đó, ông Tứ lại nhớ ra từng gặp Tuấn một lần. Theo đó, Tuấn có đến giới thiệu về công nghệ, bị cáo khi đó chỉ trả lời rằng không chỉ riêng Đông Kinh mà bất cứ đơn vị nào có công nghệ mới cũng đều được chào đón, ủng hộ tham gia. Còn mọi việc phải xuống gặp chánh văn phòng sở để thực hiện theo quy định.

Đặc biệt, cáo trạng xác định dịp Tết Nguyên đán năm 2016, Bùi Quang Huy (giám đốc Công ty Nhật Cường) có đến chúc Tết ông Tứ bằng 300 triệu đồng và một chai rượu.

Trả lời vấn đề này, ông Tứ bác bỏ việc “biếu tiền”. Theo bị cáo, thời điểm Tết năm 2016, Huy có gọi điện và đến phòng làm việc để chúc Tết. Huy nói năm nay công ty làm ăn được, có chút quà biếu. “Tôi nói nếu là việc phần trăm phần chiếc thì không nhận, Sở đã có quan điểm về việc này, chỉ cần công ty làm tốt mà thôi. Nhưng Huy nói đây không liên quan gì đến phần trăm mà chỉ là quà biếu tết nên bị cáo có nhận. Sau khi về nhà, bị cáo thấy có 300 triệu và một chai rượu” – ông này khai.

Bị cáo nhận thức nhận tiền là đúng hay sai? Chủ tọa hỏi. Ông Tứ không trả lời trực tiếp, mà trình bày rằng sau khi liên danh Nhật Cường – Đông Kinh trúng thầu, cấp dưới có báo với ông rằng Công ty Đông Kinh hỏi Sở có yêu cầu lợi ích gì về % không. Lúc đó, bị cáo nói cấp dưới thông báo với công ty rằng Sở không có yêu cầu gì, chỉ có yêu cầu phải làm thật tốt gói thầu. Bị cáo còn dặn cấp dưới “doanh nghiệp này là của ai, nên phát hết sức cẩn thận, không được đưa ra bất cứ yêu cầu gì”.

Còn việc vì sao Huy đến, bị cáo cho rằng theo “truyền thống văn hóa Việt Nam”, Công ty Nhật Cường từng tham gia nhiều gói thầu của thành phố, ngày tết, họ làm ăn được và đến chúc tết thì mình nhận. Chứ thực tế bản thân luôn cảnh giác, từ chối mọi lợi ích vật chất.

Sau khi khởi tố vụ án, bị cáo thấy rằng Huy không hẳn vô tư như vậy, mà có thể do bị cáo thực hiện chỉ đạo của ông Chung, qua đó cho công ty được hưởng lợi nên mới đến gặp mình. Vì vậy bị cáo đã chủ động khai báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm