Cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong phiên tòa xét xử vụ mua bán hóa chất Redoxy-3C.
Sáu bị cáo hầu tòa về tội danh trên: Nguyễn Văn Tứ (cựu giám đốc Sở KH&ĐT), Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT), Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh văn phòng Sở KH&ĐT) và Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT), Nguyễn Duy Tuấn (giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) và Võ Việt Hùng (giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh).
Riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là vụ án thứ ba ông Chung phải hầu tòa. Hai vụ trước, ông bị tuyên tổng hình phạt 13 năm tù.
Dự kiến, phiên toà kéo dài 5 ngày, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ toạ. 14 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó ông Chung có 4 người.
Bị cáo Phạm Thị Thu Hường, cựu chánh văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội.
Để phục vụ xét xử, HĐXX triệu tập đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội với tư cách nguyên đơn dân sự; đại diện các công ty Nhật Cường, Nhật Cường Software, Đông Kinh với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tòa còn triệu tập đại diện UBND TP Hà Nội cùng một số đơn vị của TP như Sở TT&TT, Sở Tài chính, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) và người giám định, người làm chứng...
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội.
Theo VKS, từ năm 2015 đến cuối năm 2018, Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện ba gói thầu số hóa, tương ứng với ba hợp đồng kinh tế; đến nay đã quyết toán, thanh lý hợp đồng.
Kết quả điều tra xác định hai gói thầu năm 2016 và năm 2017 do liên danh Nhật Cường - Đông Kinh thực hiện xảy ra nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, với gói thầu năm 2016, ban đầu Sở KH&ĐT Hà Nội phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu công khai, kinh phí hơn 42 tỉ đồng. Theo dự kiến, ngày 16-5-2016 sẽ đóng thầu, lúc này có bốn nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, không có Nhật Cường.
Tuy nhiên, chiều tối 15-5-2016, chỉ một ngày trước khi đóng thầu, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) gửi email cho Nguyễn Đức Chung, đề xuất Chung chỉ đạo lùi ngày đóng thầu thêm hai tuần để Huy giới thiệu một công ty tham gia đấu thầu.
Ngay sau đó, ông Chung ba lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ để chỉ đạo việc dừng thầu theo đề xuất của Huy.
Bị cáo Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội.
Tháng 7-2016, Huy tiếp tục email cho ông Chung, đề xuất dừng tất cả gói thầu số hóa trên địa bàn thủ đô. Huy cho rằng việc này sẽ mang lại một khoản thu nhập cho Nhật Cường, đồng thời nếu các gói thầu làm riêng lẻ sẽ không tích hợp được vào hệ thống dùng chung.
Cũng trong năm 2016, Võ Việt Hùng biết Huy quan hệ thân thiết với Chung nhưng Nhật Cường không có năng lực triển khai dự án số hoá nên đã mời hợp tác. Huy đồng ý, liên danh Nhật Cường - Đông Kinh được thành lập.
Quá trình đấu thầu, Huy và Hùng dùng hồ sơ pháp nhân của một số công ty làm “quân xanh” để nộp hồ sơ dự thầu và bỏ giá thầu, nhằm tạo điều kiện cho liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.
Với sự sắp xếp từ trước, đương nhiên liên danh của ông chủ Nhật Cường trúng thầu một cách dễ dàng.
Bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến, cựu trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội.
Sau khi ký kết hợp đồng, thay vì để liên danh thực hiện, Bùi Quang Huy chuyển nhượng 100% nội dung công việc cho Công ty Đông Kinh. Được Sở KH&ĐT quyết toán hơn 42 tỉ đồng, Nhật Cường trả cho Đông Kinh 29 tỉ đồng.
Tương tự với gói thầu số hóa năm 2017, trị giá hơn 18 tỉ đồng, liên danh lập ra chỉ để che mắt cơ quan chức năng. Sau khi trúng thầu, Nhật Cường chuyển nhượng toàn bộ công việc cho Đông Kinh. Trong số hơn 16 tỉ đồng được Sở KH&ĐT quyết toán, Nhật Cường trả cho Đông Kinh hơn 10 tỉ đồng.
Theo VKS, hành vi của các bị cáo nêu trên đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.