Cựu nhà báo Lê Duy Phong lãnh 3 năm tù

Sau một ngày xét xử, TAND TP Yên Bái đã tuyên phạt Lê Duy Phong (nguyên trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam) ba năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, đại diện VKS đề nghị tòa phạt 3-4 năm tù (dưới khung truy tố trong cáo trạng là 7-15 năm tù).

Cưỡng đoạt 250 triệu đồng

Phong bị cáo buộc chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái) và 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực (người góp vốn vào một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn).

Theo HĐXX, lời khai tại phiên tòa của Phong phù hợp với lời khai của bị hại và những tài liệu liên quan. Có đủ cơ sở khẳng định Phong đã lợi dụng danh nghĩa trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Sáng và 50 triệu đồng của ông Thực.

HĐXX cũng cho rằng hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, cần cách ly khỏi xã hội. Đặc biệt, Phong biết việc chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm, thể hiện sự coi thường pháp luật, tu dưỡng bản thân rất kém, do vậy đây là tình tiết tăng nặng.

Đối với đề nghị của luật sư về việc cho Phong hưởng tình tiết giảm nhẹ là tự thú và được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, HĐXX chấp nhận vì có cơ sở. Ngoài ra, bị cáo còn có những tình tiết giảm nhẹ khác như quá trình xét xử đã thành khẩn khai báo, có thành tích xuất sắc, cha ruột có công với đất nước…

Đối với 26 nhà báo Phong từng khai chia tiền cho họ khi mới bị bắt, HĐXX không triệu tập vì xét thấy không có đủ cơ sở xác định những người này có liên quan. Đối với ông Sáng, HĐXX kiến nghị Tỉnh ủy Yên Bái xem xét xử lý theo quy định của điều lệ Đảng.

Bị cáo Lê Duy Phong tại phiên tòa. Ảnh: T.PHAN

Bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi

Trái với kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái về việc không thừa nhận chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Sáng, tại phiên tòa, Phong đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo trạng truy tố, đồng thời phủ nhận việc bị ép cung.

Cụ thể, Phong khai ngày 16-6-2017 có tới phòng làm việc của ông Sáng tại Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái sau khi chủ động nhắn tin hẹn. Nội dung buổi làm việc nhằm xác minh thông tin về nguồn gốc tài sản của gia đình ông Sáng.

Tại buổi gặp mặt, ông Sáng nhắc đến chuyện trước đó một tờ báo đã đăng bài về tài sản nhà mình và tỏ ra lo lắng. Thấy vậy, Phong đề nghị ông này đưa 200 triệu đồng để không viết bài và được đồng ý. Do không có đủ tiền mặt, ông Sáng đã đi vay đồng nghiệp để đưa cho bị cáo 100 triệu đồng, hẹn đưa phần còn lại vào chiều cùng ngày.

Đại diện VKS đặt câu hỏi về hành động “rời khỏi vị trí đang ngồi rồi nói nhỏ vào tai ông Sáng”, Phong nói điều này là “hết sức bình thường”. Phong cũng thừa nhận đã sử dụng những lời nói nhằm uy hiếp ông Sáng đúng như cáo trạng nêu.

Phong khai tiếp là đến ngày 21-6, Phong rủ bạn gái lên Yên Bái gặp người bạn học cũ là ĐVC. Trong bữa ăn cùng người này, Phong được giới thiệu với ông Thực. Biết Phong là trưởng ban và đang viết bài về doanh nghiệp mình, ông Thực đã đưa cho Phong 50 triệu đồng để không viết bài. “Ông Thực nhét tiền vào túi, tôi không trả lại mà đồng ý” - Phong khai.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa rằng công việc của người làm báo có cho phép nhận tiền, tài sản trước khi viết bài hay không, Phong khẳng định điều này là “không” và nhận thấy việc nhận tiền là “vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật”.

Phong cũng khai không có chuyện chia tiền cho 26 nhà báo khác như lời khai trong giai đoạn mới bị bắt. Theo đó, sau khi chiếm đoạt được 200 triệu đồng của ông Sáng, Phong dùng 130 triệu đồng để chi tiêu cá nhân, còn lại gửi ngân hàng và không chia cho ai.

Tại phần tranh luận, Phong nói không có ý kiến gì và mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho mình.

Phía bị hại đề nghị xem xét giảm nhẹ

Được triệu tập với vai trò người làm chứng nhưng ông Sáng không có mặt tại tòa mà chỉ có người đại diện theo ủy quyền.

Trình bày trước HĐXX, đại diện của ông Sáng cho hay Phong đã khai nhận, thừa nhận các hành vi theo cáo trạng cũng như kết luận điều tra nên không có ý kiến gì.

Khi được hỏi về tâm trạng ông Sáng tại thời điểm đưa tiền cho Phong, người đại diện cho hay bất cứ ai khi đang công tác mà bị đưa tên trên báo cũng sẽ ảnh hưởng đến cá nhân. “Danh dự và uy tín?” - đại diện VKS gợi ý. Người đại diện trả lời “Vâng” và cho biết thêm là ông Sáng rất lo sợ sẽ bị đăng báo bởi trước đó có một tờ báo đã đăng bài, có PV liên tục nhắn tin, gọi điện thoại.

“Từ đầu đến giờ, bị cáo đều thành khẩn khai báo, gia đình cũng đã khắc phục hậu quả cho ông Sáng nên đề nghị HĐXX và đại diện VKS áp dụng tất cả tình tiết giảm nhẹ có lợi nhất theo BLTTHS 2015 cho bị cáo” - người đại diện của ông Sáng nói.

Có mặt tại phiên xử, ông Thực đề nghị tòa công bố các lời khai tại CQĐT và không có kiến nghị gì thêm. Trả lời về số tiền 50 triệu đồng, ông Thực cho hay có góp vốn vào doanh nghiệp và được giao phụ trách mảng vận tải nên thường mang theo số tiền lớn trên người để phòng trường hợp các xe gặp sự cố. Ông Thực cũng nói sau khi thấy hình ảnh doanh nghiệp của mình trên mặt báo thì bản thân rất lo sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên mới đưa tiền cho Phong. “Phong đã khai nhận toàn bộ hành vi, do đó đề nghị HĐXX xem xét mọi tình tiết giảm nhẹ cho Phong” - ông Thực nói.

Thiếu chỗ ngồi cho báo chí tác nghiệp

Dù đã chủ động liên hệ làm việc từ chiều 19-4 nhằm đăng ký thủ tục theo dõi và đưa tin phiên tòa nhưng rất nhiều PV không được tòa bố trí khu vực tác nghiệp.

Khi các PV hỏi phòng Hành chính tư pháp TAND TP Yên Bái, nhân viên tại đây cho biết báo chí được tòa sắp xếp theo dõi và đưa tin tại một phòng riêng nhưng do phòng chật, chỗ ngồi có hạn nên chỉ cho 13 PV vào.

Đặt câu hỏi đã đăng ký từ rất sớm nhưng tại sao lại không có chỗ ngồi, nhân viên này cho hay đăng ký nhưng ai được cấp thẻ lại là một chuyện, chỉ những người đến trước thì mới được tòa bố trí (?). Trước tình trạng trên, hầu hết PV phải ngồi ngoài phòng xử, thậm chí không có chỗ ngồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm