Lặng thầm nghề gây mê hồi sức - Bài 2

Cứu những “bàn thua” ngoạn mục

Nhiều phẫu thuật viên (PTV) dù giỏi nhưng lắm lúc vô tình đụng chạm đến những bộ phận quan trọng của cơ thể người như tim, gan, phổi, mạch máu... khiến bệnh nhân nguy kịch. Lại có nhiều PTV nôn nóng muốn mổ nên suýt làm bệnh nhân chết… Đây là những tình huống bất thường vẫn hay xảy ra trong phòng mổ mà bác sĩ gây mê buộc phải giải quyết nhuần nhuyễn.

Xử lý thật nhanh và thật khéo

TS-BS Phan Thị Hồ Hải, nguyên Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức đầu tiên của BV Chợ Rẫy và nguyên Chủ nhiệm bộ môn Gây mê - Hồi sức của BV ĐH Y Dược TP.HCM là cây đại thụ trong lĩnh vực gây mê và là thầy của hầu hết các bác sĩ gây mê khu vực phía Nam. Hiện 80 tuổi và vẫn còn gây mê tại BV Quốc tế Minh Anh, bà nhớ như in những dấu ấn, những kỷ niệm làm nghề.

Theo TS-BS Hải, làm gây mê không chỉ khéo léo mà còn cần dũng cảm. Bà kể: “Có một PTV “tay dao” thuộc loại đẳng cấp nhất nhì nước vào mổ khối u bụng 4 kg. Trong lúc mổ, mũi dao lẹm vào động mạch chủ bụng (to khoảng bằng ngón tay út). Cô bác sĩ gây mê chạy vào phòng tôi với tâm trạng lo lắng: “Chị ơi, chị vào với em vì bệnh nhân không thấy mạch nữa!”. Tôi vừa ra khỏi cửa phòng thì gặp ngay BS Nguyễn Khánh Dư (nguyên phó Giám đốc BV Chợ Rẫy) vừa mổ ra. Tôi kéo ông vào phòng mổ đang xảy ra sự cố. Tôi nói với PTV kia: “BS ơi, tôi phải nhờ một PTV nữa tiếp tay với BS chứ khối u to quá”. Trong tích tắc, khối u được đẩy lên cao và động mạch chủ ló ra đang chảy máu… Từ mạch, huyết áp bằng 0, bệnh nhân nhanh chóng được may lại mạch máu và hồi sức thành công. Sự việc diễn ra tròng vòng 30 giây”.

Các bác sĩ gây mê - hồi sức cần cù, tỉ mỉ, bình tĩnh xử lý các tình huống bất ngờ để giúp bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân. Ảnh: TÙNG SƠN

“Một em bé được phẫu thuật tim kín (không làm tim ngưng đập), khi PTV kẹp mạch máu thì bị tuột, máu phun thẳng lên trần nhà. PTV hoảng sợ. Ngay lập tức chúng tôi bù máu có sẵn (500 ml), dịch vì nếu chờ máu từ ngân hàng máu tới 15 phút thì sẽ không kịp. Chúng tôi đưa máy truyền máu hoàn hồi ra hút máu chảy bệnh nhân vào để lọc, sau đó chuyền máu vào máy truyền ấm, xong truyền cho bệnh nhân. Nếu không xử lý kịp, bệnh nhân này sẽ chết” - TS-BS Phan Thị Minh Tâm, Trưởng khoa Gây mê BV Nhi đồng 2, tâm sự.

Điều đáng nói là để máy truyền máu hoàn hồi khởi động phải mất 10 phút nên các bác sĩ gây mê phải giữ cho bệnh nhân ổn định trong khoảng thời gian ấy bằng việc bơm máu, dịch đều bằng tay. Muốn làm được vậy thì trước khi mổ, bác sĩ gây mê phải lường trước các sự cố, phòng xa là lập nên những đường động mạch, tĩnh mạch trung ương để bơm máu, dịch kịp thời.

Kịp thời giành lại sự sống

ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức BV FV TP.HCM, chia sẻ: “Tôi nhớ mãi em bé 15 tuổi cắt khối u gan do ung thư. PTV trẻ máu lửa vì muốn cắt trọn phần ung thư vô tình làm tuột kẹp động mạch, đột ngột một lượng khí lớn tràn vào mạch máu bệnh nhân gây thuyên tắc khí, độ bão hòa oxy, mạch rớt hết. Cũng may lúc đó tôi ở trong phòng và tự nhiên thấy máy thở báo động, màn hình đỏ lòm, nhịp tim, huyết áp bệnh nhân không còn. Tôi bảo PTV ngừng tay. Nghĩ là do tụt ống nội khí quản nên tôi cho bóp bóng nhưng bật đèn lên kiểm tra thì ống nội khí quản vẫn nằm trong khí quản. Chúng tôi nghiêng bệnh nhân qua một bên, chuyển qua thở oxy 100%, bóp bóng thì oxy trong máu bị phân tán và máu trao đổi khí lại. Mất chừng 5-10 phút”.

Cũng theo BS Vân, khi mọi việc đã ổn định, bệnh nhân vào hồi sức, PTV mới thú nhận là bị tuột cái kẹp động mạch, do sự việc diễn ra nhanh quá không kịp báo cho gây mê. Nhờ có kinh nghiệm mà bà đã có phương án xử lý đúng và cuối cùng em bé được cứu sống.

“Với việc thuyên tắc khí trong lúc mổ cắt gan, đặc biệt là gan phải, tử vong lên đến trên 50%. Hầu hết tai biến chết người xảy ra trong mổ là tai biến gây mê, còn chảy máu “ầm ầm” 2-3 lít mà hồi sức tốt thì bệnh nhân cũng khó chết. Ngoài ra, trong việc đặt ống nội khí quản vào cuống phổi, gắn mào máy, nếu sút ống thì bệnh nhân có thể chết. Hoặc sút chỗ nối, ống chạy vào thực quản cũng chết, dù chỉ cắt amidan, nếu gây mê ngủ gật, lơ đễnh… khi sút ống nội khí quản, máu đen thui thì cứu không được”.

Chấp nhận xung đột để đảm bảo an toàn

Nếu không phải dân trong nghề, hẳn nhiều người sẽ thấy lạ khi bác sĩ gây mê - hồi sức không chỉ biết nghe lời bác sĩ mà còn phải biết “gây sự” với PTV.

TS-BS Phan Thị Hồ Hải xác nhận: “Trước khi gây mê cho bệnh nhân thì chúng tôi phải mất ít thời gian “gây sự” với PTV. Bởi có lắm lúc PTV chuẩn bị không đầy đủ, ép gây mê phải cho mổ. Thí dụ, bệnh nhân sốc nhiễm trùng, mất nước thì cần có thời gian điều chỉnh mất nước, điện giải để giảm bớt đi. Nhiều lúc PTV sợ trách nhiệm nếu bệnh nhân chết nên bảo vào làm ngay… Bác sĩ gây mê đã phải tích cực đưa nước non, điện giải vào cho huyết áp ổn định… để PTV mổ”.

Theo một bác sĩ gây mê uy tín lâu năm, lúc ông mới ra trường, nhiều lúc muốn “đánh lộn” với bác sĩ PTV. PTV không cho thuốc giảm đau vì sợ bệnh nhân liệt ruột, bệnh nhân ngồi dậy không nổi. Đó là quan niệm lạc hậu, bởi giảm đau tốt thì sẽ kích hoạt mọi thứ trong cơ thể, giúp bệnh nhân đi lại sớm, kích thích các cơ quan hoạt động bình thường, tránh nằm lâu biến chứng…

TS-BS Phan Thị Minh Tâm thì cho biết có những cuộc tranh luận nảy lửa giữa PTV và “dân gây mê”. Thí dụ: Ở Việt Nam lần đầu tiên phát triển mổ nội soi, PTV muốn làm một kỹ thuật này để giúp giảm đau cho bệnh nhân, đường mổ nhỏ, ít sẹo… Thế nhưng kỹ thuật này rất bất lợi cho gây mê vì phải lựa chọn tư thế nằm. Bơm hơi làm cản trở hô hấp tuần hoàn bệnh nhân mà điều này bác sĩ gây mê không thích. Nhiều khi hơi vào mạch máu gây thuyên tắc khí. Hơn nữa, hệ thống tuần hoàn, tim, phổi chưa hoàn chỉnh, gây mê dễ gây tai biến cho trẻ. Do vậy, phải tích cực trao đổi để chọn những trẻ lớn trên những trẻ không có bệnh nguy cơ chứ không phải trẻ nào cũng làm.

“Mới hôm qua tôi hoãn một ca mổ cột sống, PTV rất bực mình. Vì khi chúng tôi khám tim lại thì thấy nhịp tim bệnh nhân chậm bất thường. Khám tim mạch cũng chưa xác định được nguyên nhân do đâu nên phải chỉ định bệnh nhân theo dõi điện tâm đồ suốt 24 giờ. PTV lại nói bệnh nhân ở tỉnh xa, nhờ xem có làm được không nhưng vì an toàn bệnh nhân, chúng tôi vẫn kiên quyết để theo dõi” - TS-BS Phan Thị Minh Tâm nói.

Theo TS-BS Tâm, ở Việt Nam, trẻ hay ho, sổ mũi, bác sĩ gây mê phải xác định được nguyên nhân do siêu vi hay nhiễm trùng. Nếu trẻ bị nhiễm trùng thật sự thì phải hoãn ca mổ. Lúc này thì bác sĩ gây mê và PTV đã không vui với nhau rồi.

DUY TÍNH

 

TS-BS PHAN THỊ MINH TÂM, Trưởng khoa Gây mê BV Nhi đồng 2:

Là khoa học nghệ thuật

Gây mê là khoa học nghệ thuật, vấn đề tăng giảm liều thuốc, cân đối làm sao cho phù hợp với từng bệnh nhân cá biệt. Giống như một đầu bếp, cũng bấy nhiêu nguyên vật liệu, người này nêm nếm ngon, người kia thì không. Tại sao PTV thích bác sĩ gây mê này mà không chịu bác sĩ gây mê khác? Đơn giản là vì họ biết tay nghề của bác sĩ được chọn lựa.

TS-BS PHAN THỊ HỒ HẢI, nguyên Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức BV Chợ Rẫy:

Chuẩn bị kỹ sẽ giảm tai biến

Tôi dạy học trò, 50% tai biến xảy ra là do chuẩn bị máy móc không kỹ. Khi vào phòng mổ phải xem máy móc lắp ráp với oxy, khí trời đầy đủ chưa. Dây nhợ, ống nối đầy đủ, thông chưa… Để khi có sự cố mà không có các công cụ hoặc công cụ hư hỏng thì rất khó đảm bảo cho bệnh nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm