LẶNG THẦM NGHỀ GÂY MÊ-HỒI SỨC - BÀI 1:

Chuyện hậu trường nghề gây mê, hồi sức

Họ đã giữ cho bệnh nhân ngủ yên  hàng giờ để phẫu thuật viên thao tác thuận tiện. Họ đã hồi sức cho bệnh nhân tỉnh táo dù trước đó có người rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Họ đóng góp công sức để các ca phẫu thuật thành công, dù vậy tên của họ ít được bệnh nhân và đôi khi cả đồng nghiệp nhắc đến. Nhưng với họ, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu thương đối với bệnh nhân. Họ là các bác sĩ gây mê-hồi sức.

Tôi đã nhiều lần được vào phòng mổ. ban đầu, với suy nghĩ bình thường như bao người khác, tôi chỉ chăm chú quan sát bàn tay của bác sĩ phẫu thuật viên. Nhưng dần dà tôi nhận ra rằng phía sau mành vải che bệnh nhân là một êkíp gây mê-hồi sức đang căng thẳng theo dõi ca mổ, theo dõi sinh hiệu cơ thể đo trên máy, tiêm thuốc và truyền dịch cho bệnh nhân…

Người đi trước, về sau

- Cho kháng sinh trước mổ chưa?

- Dạ rồi.

- Bác sĩ mổ được chưa?

- Dạ được rồi.

- Bắt đầu.

Đó là cuộc trao đổi cực gọn giữa phẫu thuật viên Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV 115, với bác sĩ gây mê trong phòng mổ cho bệnh nhân thay khớp háng vào ngày 22-2.

Trong khi từng đường dao của bác sĩ phẫu thuật viên rạch đùi bệnh nhân để lộ khớp háng thì bác sĩ gây mê Trần Văn Trung xem lại sinh hiệu, máy thở của bệnh nhân. Tiến lại gần bệnh nhân, bác sĩ gây mê an ủi: “Ông nằm ngủ một lát cho khỏe nhé!”. Bỗng bệnh nhân thì thầm: “Đói bụng quá bác sĩ ơi, hôm qua rày có ăn uống được gì đâu!”. Ngay lập tức, bác sĩ gây mê ra hiệu cho đồng nghiệp mang đến một chai nước đường gluco truyền cho bệnh nhân.

Vừa nói chuyện, BS Trung vừa đảo mắt xem máy đo nhịp tim, huyết áp và chỉnh dòng chảy dịch truyền. Ca mổ diễn ra khá thuận lợi, gần một giờ đã xong. Trong khi các phẫu thuật viên cởi găng tay, thay đồ thì bác sĩ gây mê bắt đầu hiệp ba (hiệp một là khám tiền phẫu, hiệp hai là gây tê, theo dõi quá trình mổ) là hồi sức cho bệnh nhân và đẩy vào phòng hồi sức.

Bác sĩ gây mê-hồi sức giỏi luôn làm cho bệnh nhân an toàn và phẫu thuật viên toàn tâm phẫu thuật. Ảnh: TÙNG SƠN

“Nhịp tim chậm, huyết áp cao, nghiêng bệnh nhân qua trái, đầu cao lên một chút… ”. Đây là những y lệnh mà bác sĩ phẫu thuật viên chính yêu cầu các bác sĩ gây mê phải điều chỉnh lại trong phòng mổ đối với ca tách song sinh Phi Long - Phi Phụng tại BV Nhi đồng 2 vào tháng 12-2013.

Ca mổ tách dính Long - Phụng bắt đầu khoảng 8 giờ 30 sáng nhưng từ 7 giờ, hai bé đã được đưa vào phòng mổ để các bác sĩ gây mê làm công tác sát trùng, đặt ống vào các tĩnh mạch chủ (ống nhựa cố định để truyền máu, dịch…). Ca mổ tách dính và đóng ổ bụng đến khoảng 3 giờ 30 chiều xong nhưng bác sĩ gây mê phải làm đến… gần 6 giờ tối mới xong. Lý do là mạch của Phi Phụng quá nhỏ và tĩnh mạch chủ tìm không ra. Các bác sĩ gây mê tìm từ đầu đến chân nhưng chẳng có tĩnh mạch, động mạch nào to để khi có sự cố có thể truyền máu, dịch vào kịp thời. Sau gần hai tiếng các bác sĩ gây mê mới tìm ra động mạch chủ lớn để đặt ống. Họ thở phào nhẹ nhõm nhưng trán vã mồ hôi…

“Nấc thang đưa phẫu thuật viên lên đài danh vọng”

Là người làm trong lĩnh vực gây mê từ năm 1985 và chuyên về nhi khoa, TS-BS Phan Thị Minh Tâm, Trưởng khoa Gây mê-Hồi sức BV Nhi đồng 2, cho rằng trong êkíp mổ bao giờ cũng có bác sĩ gây mê-hồi sức và phẫu thuật viên, không có bên nào nhẹ hơn, nặng hơn. Người gây mê giỏi chu toàn giữ sinh hiệu cho bệnh nhân ổn định thì phẫu thuật viên mới toàn tâm phẫu thuật. Nếu trong quá trình mổ, phẫu thuật viên đụng chạm vào tim, phổi, đứt mạch máu thì gây mê giỏi sẽ bảo đảm giúp duy trì nhịp tim bằng thuốc, nếu phổi thì thông khí tốt - đó là cả một nghệ thuật mà làm trên bệnh nhi rất khó.

Còn ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân, Trưởng khoa Gây mê-Hồi sức BV FV TP.HCM, cho biết một bệnh nhân được phẫu thuật viên chỉ định phẫu thuật thì gây mê phải gặp bệnh nhân trước - tức khám tiền mê để đánh giá tất cả bệnh trạng của bệnh nhân, để quyết định bệnh nhân có mổ hay không. Cuộc mổ nhỏ xíu đối với gây mê cũng là nặng nề, đặc biệt đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp, tiền sử tai biến… Nếu không đánh giá kỹ thì khi thuốc mê vào cơ thể, gan không chịu nổi, bệnh nhân sẽ tử vong ngay. Thí dụ, bác sĩ ngoại mổ thoát vị bẹn 15 phút là xong nhưng gây mê để cho bệnh nhân ngủ là cả một vấn đề. Nhiều trường hợp báo chí đăng tại sao gây mê chết, người ta đổ thừa do sốc này, sốc kia nhưng thực ra là do những bệnh tiềm tàng mà bác sĩ gây mê không thấy.

“Tôi làm gây mê cho bệnh nhân thủng dạ dày cấp cứu ban đêm vào năm 1966 tại BV Việt-Đức. Phẫu thuật viên mổ chậm nhưng rất kỹ, đến 4-5 tiếng mới xong, đã gần hết đêm. Thấy ông làm lâu tôi rất khó chịu nhưng vì là đàn em nên không dám nói. Thầy biết và bảo tôi đừng có thái độ như vậy vì phẫu thuật viên mổ cũng cực, vất vả, mình không vui vẻ thì không làm được. Từ lời nhắc nhở ấy, tôi biết mình đã sai. Sau này tôi dạy lại cho học trò, dù phẫu thuật viên mổ có khó khăn đi nữa thì người gây mê-hồi sức phải tạo điều kiện để họ mổ nhanh và tốt chứ không được bực tức” - TS-BS Phan Thị Hồ Hải, nguyên Trưởng khoa Gây mê-Hồi sức BV Chợ Rẫy, tâm sự.

Công việc vất vả là vậy nhưng khi nói đến vinh quang, hầu như bác sĩ gây mê nào cũng “cười buồn”. “Thầy tôi thường nói nghề của chúng tôi như một bước thang để phẫu thuật viên lên đà danh vọng” - BS CKII Trần Thanh Tùng, khoa Gây mê - Hồi sức BV 115 tâm sự.

Còn ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân thì quan niệm: “Chúng tôi làm nghề thức canh cho bệnh nhân ngủ, là người “nâng khăn sửa áo” cho bác sĩ. Nhưng người bệnh đi mổ thì kiếm bác sĩ phẫu thuật viên chứ thường không quan tâm bác sĩ gây mê. Khi họ tỉnh lại thì người đầu tiên họ tìm để tặng hoa là bác sĩ phẫu thuật”.

DUY TÍNH
(Còn tiếp)

 

Bác sĩ gây mê-hồi sức là những chiến sĩ thầm lặng, đứng sau phẫu thuật viên. Nếu một ca mổ, phẫu thuật viên đảm bảo được nhưng trên nền bệnh nhân có quá nhiều bệnh nội khoa thì phải cân nhắc mổ làm sao để thành công cao. Lúc này vai trò bác sĩ gây mê-hồi sức là phải điều chỉnh, đề ra phương pháp gây mê, thời gian phẫu thuật hợp lý. Trong lúc mổ, họ theo dõi sát bệnh nhân từ huyết động đến sinh hiệu, giúp phẫu thuật viên không gây ra những tai biến bất thường. Thí dụ, trong mổ tim, họ cho tim ngưng hoàn toàn, nếu sơ suất một tý là bệnh nhân tử vong ngay.

Giới chuyên môn đánh giá rất cao vai trò của bác sĩ gây mê-hồi sức, tuy nhiên cũng có một ít người chỉ biết mổ mà không nghĩ đến gây mê-hồi sức. Còn ngoài xã hội ít thấy nhắc đến vai trò của họ.

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV 115

Gây mê phải được đào tạo đàng hoàng, không thể làm cà khịa được. Phải kỹ càng, không được ẩu, phải cập nhật kiến thức liên tục và phải yêu nghề. Đã không yêu thì đừng học, đã làm mà thấy chán thì bỏ chứ làm ẩu thì chết người. Gây mê như người đứng đầu sóng ngọn gió vì sức khỏe, tính mạng con người là cao quý nhất!

TS-BS ĐÀO THỊ MỸ VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm