Cứu sống bệnh nhân “chết đuối trên cạn”

Theo lời kể của gia đình nạn nhân, chiều 4-9, Đan cùng các bạn đi tắm ở mương. Do không biết bơi, lại bị bạn kéo xuống chỗ sâu, Đan bị đuối nước. May mắn Đan được một người dân gần đó cứu và làm các biện pháp sơ cứu. Khoảng 10 phút sau Đan thở lại được, tỉnh táo và có thể đi xe đạp về nhà.

Tuy nhiên, khoảng 3 tiếng sau gia đình thấy Đan tím tái, khó thở, lịm đi nên đã đưa em đi cấp cứu tại BV Đa khoa Kinh Bắc (Bắc Ninh) rồi chuyển lên BV Bạch Mai.

BS Dũng cho biết kết quả X-quang phổi của Đan cho thấy phổi bị tổn thương rất nặng (so với phim chụp cách đó 1 giờ tại BV Đa khoa Kinh Bắc, phổi bị mờ hoàn toàn), bệnh tiến triển rất nhanh.

“Bệnh nhân có thể hít vào, thở ra được, không khí vào được phổi nhưng đến phế nang, nơi trao đổi ôxy thì bị nghẽn do phổi tổn thương quá nặng. Từ chuyên môn gọi là “chết đuối trên cạn”, những trường hợp này cực kỳ nặng và nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi đã làm thủ thuật PIP, nghĩa là khi máy bơm vào thì phổi căng lên tối đa, khi hút ra phổi chỉ xẹp nửa chừng, giữ không khí ở lâu hơn trong phế nang, giúp quá trình trao đổi ôxy diễn ra tốt hơn” - BS Dũng giải thích.

Sau ba ngày thở máy liên tục, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, sức khỏe đã ổn định. Theo BS Dũng, bệnh nhân có thể ra viện sau hai ngày nữa mà không để lại bất kỳ di chứng nào.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm