Cách đặt vấn đề này của Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học không chỉ là một câu hỏi nhức nhối mà nó còn là nỗi lo lắng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền.
Thực tế hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày một hoàn thiện nhưng khổ nỗi, như Thủ tướng từng thừa nhận trước Quốc hội: “Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu!”.
Dường như cho đến nay, tinh thần thượng tôn pháp luật vẫn là điều còn thiếu. Nguyên tắc “cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật cho phép, còn người dân, doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm” vẫn chưa thấm nhuần, trong khi đây chính là nền tảng của bất kể nhà nước pháp quyền nào.
Người dân và công luận không thể hiểu được tại sao có những trường hợp như giám đốc một sở ở Yên Bái lại có thể dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng hàng trăm hecta đất rừng thành đất ở và xây biệt phủ. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp ở nơi khác đôi khi đã hoàn thành đủ các nghĩa vụ tài chính mà sổ đỏ vẫn... biệt tích biệt tăm. Thật khó hiểu khi dân xây thêm cái tum, cái toilet trong nhà mình mà cũng bị hành lên hành xuống. Trong khi đó, những biệt phủ, biệt thự của quan chức, xây ngay trên đất rừng, lại chỉ bị sờ đến khi báo chí phanh phui.
Chắc chắn một điều, lật cả ngàn trang luật hiện nay chắc chẳng bao giờ có quy định cho phép cán bộ, công chức tham nhũng, tham ô, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Nhưng từ những vụ như cảnh sát trật tự ở hông chợ Bà Chiểu sai phạm đến các đại án hàng ngàn tỉ bị thất thoát, tham nhũng, có thể thấy hệ thống pháp luật đã bị nhiều quan chức vô hiệu hóa đến mức nào. Dân và công luận cũng vô cùng thắc mắc khi cưa một cây gỗ khô mà bị kết án tù giam; đến lúc được tòa tuyên vô tội thì lại bị kháng nghị, án đến nay vẫn còn treo lơ lửng trên đầu, còn cán bộ vi phạm pháp luật, trong không ít trường hợp vì có “công trạng” thì lại được giảm án!
Chợt nhớ lại ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 11-2017: “Người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm - rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể. Điều này dễ làm cho dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho dân khác với cán bộ”.
Thế mới biết pháp luật dù có nghiêm minh, hình phạt dù có nghiêm khắc đến đâu, nếu thiếu một tinh thần thượng tôn pháp luật thì tất yếu sẽ dẫn đến việc “nhờn” luật. Người xưa coi quan chức là “phụ mẫu chi dân”. Điều này dẫn đến hệ quả là “quan chức” lẽ ra phải là lực lượng đầu tiên tuân thủ pháp luật, trước hết là những luật mà mình là đối tượng điều chỉnh. Nhưng tình hình hiện nay cho thấy đây là một trong những bài toán không dễ giải trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền.