Tại đây, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng Đặng Ánh cho biết trong năm năm qua, TAND TP Đà Nẵng đã thụ lý 10 vụ/47 bị cáo liên quan đến án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội. Trong đó có 29 bị cáo phạm tội liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ và đã giải quyết xong.
Ông Ánh cho hay số lượng các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ, các vụ án kinh tế, dư luận xã hội quan tâm được TAND hai cấp TP Đà Nẵng đưa ra xét xử không nhiều. Tuy vậy, một số vụ án có tính chất phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về tội danh.
“Có vụ án tòa phải trả hồ sơ đến ba lần do điều tra chưa đầy đủ, có những vấn đề chưa được làm rõ hoặc do vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án” - ông nói.
Ông Nguyễn Xuân Trường (Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Nội chính Trung ương) phát biểu.
Về công tác xử án, phó chánh án khẳng định TAND TP luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Thường trực Thành ủy, Ban cán sự đảng TAND Tối cao cùng sự phối hợp của Ban Nội chính Thành ủy. Do đó, kết quả xử án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức án tương xứng với hành vi phạm tội, được dư luận đồng tình, chưa để xảy ra trường hợp nào bị oai sai hay bỏ lọt tội phạm.
Góp ý tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục C46 (Bộ Công an), cho biết: Không phải riêng TP Đà Nẵng mà đoàn đi kiểm tra ở bất cứ tỉnh, thành nào cũng nghe thấy báo cáo là công tác phối hợp giữa các cơ quan phát hiện, điều tra và truy tố, xét xử là rất tốt.
“Tỉnh nào cũng nói Thành ủy, UBND chỉ đạo rất tốt, rất sát sao. Tuy nhiên, có thực tế là dù các vụ án kinh tế rất ít nhưng lại kéo dài. Tại sao án ma túy, hình sự các địa phương làm tốt thế, đưa ra xét xử dễ thế? Còn các loại án kinh tế, nhất là án tham nhũng lại quá khó thế này? Có hay không có sự can thiệp của chính quyền địa phương?” - ông nói.
Theo Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh, ngay từ năm 2013, TAND TP Đà Nẵng đã có kiến nghị xem xét lại chất lượng điều tra của các cơ quan điều tra trung ương, tránh tình trạng Bộ Công an chuyển vụ nào là TAND TP phải trả hồ sơ vụ đó.
“Tình trạng này không chỉ có ở án kinh tế, tham nhũng mà cả các vụ án ma túy bình thường nữa. Cứ đưa hồ sơ về là chúng tôi lại phải trả lại để điều tra bổ sung. Có vụ án 2014 phải trả hồ sơ hai lần, đến lần thứ ba chúng tôi phải báo cáo với Tòa Cấp cao. Lúc đó Bộ Công an phải cung cấp tài liệu nghe lén thì chúng tôi mới dám tuyên bị cáo có tội.
“Trong biên bản ghi người khác đưa ma túy. Nhưng khi điều tra, truy tố thì lại truy tố một người khác. Thế nên người ta mới kêu oan từ đầu đến cuối. Thậm chí còn đề nghị thay cả luật sư vì cho rằng luật sư không khách quan” - bà chia sẻ thêm.
Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Phan Trường Sơn.
Nói về việc này, ông Phan Trường Sơn, Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, kiến nghị khi chuyển án về Đà Nẵng, các cơ quan điều tra trung ương cần chuyển đầy đủ hồ sơ vụ án để tạo thuận lợi cho việc truy tội, xét xử.
“Mỗi lần hồ sơ của Bộ Công an về là phải trả đi trả lại. Mà hồ sơ toàn mất những tài liệu quan trọng thôi” - ông Sơn nói.
Ghi nhận và chia sẻ với cơ quan tố tụng TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Trường đề nghị TAND TP cần tiếp tục cải thiện công tác phối hợp giữa các ngành, phát huy tính gương mẫu của người đứng đầu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra cũng như tập trung, tăng cường xây dựng đội ngũ, năng lực cán bộ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.