Đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm khi nào, thủ tục ra sao?

(PLO)- Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, sáng nay (7-6), Quốc hội sẽ thực hiện quy trình xem xét, phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc bãi nhiệm ĐBQH, trình tự thủ tục thực hiện ra sao?

Theo Luật Tổ chức quốc hội năm 2014 (Luật TCQH), ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Người trở thành ĐBQH phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có một quốc tịch là quốc tịch Việt nam; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật…

Và khi ĐBQH không còn phù hợp với tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì ĐBQH sẽ bị cử tri hoặc QH bãi nhiệm.

Thủ tục bãi nhiệm ĐBQH

Theo Điều 7 Hiến pháp năm 2013, việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. ĐBQH, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc QH, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.

Đồng thời, Điều 40 Luật TCQH 2014, ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm.

Trong trường hợp QH bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành.

Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ QH quy định.

Trình tự bãi nhiệm ĐBQH

Theo 41 Nội quy kỳ họp QH ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015 của QH khóa XIII, quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội sẽ trải qua tám bước:

1. Ủy ban thường vụ QH trình QH bãi nhiệm ĐBQH.

2. QH thảo luận tại Đoàn ĐBQH; Chủ tịch QH có thể họp với các Trưởng đoàn ĐBQH để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

3. Ủy ban thường vụ QH báo cáo QH kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH.

4. Trước khi QH thảo luận, ĐBQH bị đề nghị bãi nhiệm có quyền phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể, trừ trường hợp bị tạm giam theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các trường hợp khác do QH quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ QH.

5. QH thành lập Ban kiểm phiếu.

6. QH bãi nhiệm ĐBQH bằng hình thức bỏ phiếu kín.

7. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

8. QH thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm ĐBQH.

Ngoài ra, liên quan đến việc phê chuẩn đề nghị cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn (như các chức danh Bộ trưởng, Phó thủ tướng Chính phủ…), theo Điều 11 Luật TCQH 2014, Quốc hội sẽ xem xét theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm