Sáng 1-7, TAND TP.HCM tiến hành tuyên án phúc thẩm vụ đòi tài sản giữa vợ chồng ông Ngô Trần Ái (sinh năm 1951, ngụ TP Hà Nội) với bà Dương Thị Bạch Diệp (sinh năm 1948, ngụ quận 1).
Khi chủ toạ bắt đầu tuyên bản án được thông qua tại phòng nghị án thì bất ngờ bà Diệp nói muốn có ý kiến. HĐXX giải thích vụ án đã qua giai đoạn xét xử và nghị án kéo dài, nay chỉ tuyên án bà không thể có thêm ý kiến được. Không giống như phiên toà hình sự bà có thực hiện việc nói lời sau cùng trước khi nghị án, đây là vụ án giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.
Bà Diệp cho rằng giai đoạn sơ thẩm vụ án này bà bị bắt, hai ngày sau mới có bản án và kháng cáo. Bà Diệp không đồng ý với lời giải thích, cho là “vô lý” và bỏ ra khỏi phòng xử. Các công an trích xuất bà đến toà nghe tuyên án phải cùng bà ra ngoài.
HĐXX quyết định lập biên bản tuyên án vắng mặt bà Diệp và vắng mặt cả đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn. Sau đó, HĐXX tiếp tục việc tuyên án.
HĐXX đồng tình với bản án sơ thẩm của TAND quận 1 năm 2018 về giải quyết tranh chấp này và bác kháng cáo của bà Diệp.
Sau khi HĐXX tuyên án xong, bà Diệp đứng trước cửa phòng xử chờ cán bộ dẫn giải lấy quyết định về vụ án để về trại tạm giam. Ảnh: HOÀNG YẾN |
Hồ sơ thể hiện năm 2010, giữa hai bên có ký hợp đồng mua bán nhà số 724/6 (số cũ là 710/2) đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Căn nhà thuộc dạng hóa giá theo chính sách của Nhà nước và bà Diệp đang làm thủ tục sang tên. Bà Diệp đồng ý bán căn nhà này cho nguyên đơn với giá 847,86 lượng vàng SJC và có trách nhiệm thực hiện việc mua hóa giá. Sau khi được cấp giấy chứng nhận bà có trách nhiệm chuyển nhượng căn nhà. Ngày 2-8-2010, ông Ái đã chuyển cho bà Diệp 5,44 tỉ đồng (tương đương 200 lượng vàng SJC).
10 ngày sau, hai bên lập Phụ lục hợp đồng mua bán nhà với nội dung chính là bị đơn sẽ thay mặt nguyên đơn mua giúp phần đất tiếp giáp với khuôn viên căn nhà trên (khoảng 100 m2, với giá từ 2-2,5 lượng vàng SJC/ m2). Ngay khi ký phụ lục hợp đồng, nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn 3 tỉ (110,3 lượng vàng SJC).
Quá trình thực hiện hợp đồng mua bán nhà và phụ lục, bị đơn không thực hiện được việc mua hóa giá và chuyển nhượng nhà nên hai bên đã thống nhất không tiếp tục. Theo các giấy cam kết trả tiền, trả nợ ngày 15-7-2011, ngày15-9-2011 và ngày 26-5-2012, bà Diệp đã tự xác nhận lỗi làm cho hai bên không tiến hành được việc mua bán thuộc về mình và cam kết trả lại 307 lượng vàng SJC.
Riêng giấy hẹn trả nợ lần cuối ngày 1-10-2012 do bà Diệp tự lập có những sai sót, nhầm lẫn về số nhà, số vàng tự xác định đã trả là 120 lượng. Tuy nhiên, căn cứ lịch sử giao dịch do nguyên đơn cung cấp cho Tòa án tính đến ngày 10-8-2012, bị đơn đã trả được 140 lượng. Bà Diệp ghi: “Tôi đã trả được 120 lượng, còn hơn 180 lượng vàng tôi chưa thanh toán " cho thấy bị đơn nhớ không chính xác tổng số vàng phải trả cho nguyên đơn.
Từ đó, TAND quận 1 cho là có cơ sở xác định giấy hẹn trả nợ lần cuối nêu trên chính bị đơn cam kết có những nhầm lẫn, sai sót. Từ nội dung các giấy tự cam kết của bị đơn có cơ sở cho rằng hai đợt tiền mà nguyên đơn đã giao cho bị đơn đều được quy ra vàng SJC tại thời điểm thanh toán tổng cộng 307 lượng vàng SJC. Nguyên đơn xác nhận bà Diệp đã trả hai đợt tiền quy ra 140 lượng vàng SJC.
Việc bị đơn cho rằng ngoài số vàng 140 lượng SJC còn trả trực tiếp cho nguyên đơn thêm 100 lượng vàng SJC tại lầu 2 Nhà xuất bản giáo dục (số 81 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không được nguyên đơn thừa nhận. Đồng thời, bị đơn cũng không có chứng cứ chứng minh. Do đó, bà Diệp có trách nhiệm phải trả số vàng còn thiếu là 167 lượng vàng SJC quy ra tại thời điểm xét xử là hơn 6,1 tỉ đồng.
Sau đó, bà Diệp kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn về việc phải trả vàng. Lý do bà đã trả 100 lượng vàng tại Hà Nội mà cấp sơ thẩm không xem xét. Mặt khác, tại buổi đối chất ngày 4-10-2018, ông Ái không có mặt để làm rõ việc giao nhận số vàng này. Các tài liệu nguyên đơn cung cấp mâu thuẫn về số vàng phải trả và không phản ánh đúng thực chất việc bà đã trả…
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng kháng cáo của bà không có căn cứ.