Chiều 25-6, TAND TP.HCM tiếp tục phiên sơ thẩm vụ ông Trần Phương Bình và 11 đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) hơn 8.800 tỉ đồng (còn gọi là đại án DAB giai đoạn 2).
Trình bày tại tòa, ông Bình (cựu Tổng giám đốc DAB) và ông Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C) cùng khai về dự án dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn-Ba Son.
Công ty M&C ký với Công ty Ba Son (chủ dự án) hợp đồng, qua đó Công ty M&C được quyền khai thác kinh doanh 15.300m2 tháp căn hộ 38 tầng thuộc Dự án khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn-Ba Son (số 2, đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM). Công ty M&C đã đặt cọc 500 tỉ đồng để hợp tác với Công ty Ba Son.
Ông Khánh đề nghị DAB rót vốn, ông Bình đề nghị DAB sẽ tham gia khai thác dự án sau này, đồng ý nhận tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai.
Ông Trần Phương Bình cho rằng cáo trạng truy tố đúng người đúng tội. Ảnh: H.YẾN
Ban đầu ông Bình dùng pháp nhân Công ty An Bình An (do cá nhân ông thành lập) đứng tên vay 250 tỉ đồng của DAB, rồi chuyển tiếp cho Công ty M&C thanh toán cho cho Công ty Ba Son.
Một năm sau, phía ông Khánh lấy pháp nhân của bốn công ty đứng vay DAB 270 tỉ đồng, mục đích đáo khoản nợ của Công ty An Bình An.
VKS khẳng định dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn-Ba Son không đủ điều kiện làm tài sản đảm bảo. Hợp đồng mà ông Khánh ký với Công ty Ba Son không phải là tài sản để ông Khánh thế chấp để vay của DAB.
Chủ dự án thật sự là Công ty Ba Son không được biết gì về việc ông Khánh sử dụng hợp đồng mà Ba Son ký với công ty của ông Khánh mang thế chấp ngân hàng để vay.
Ông Bình thừa nhận mình duyệt hồ sơ như vậy là trái quy định pháp luật. Lý giải việc chấp thuận với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đáo hạn nợ cũ, chứ không hề có ý trục lợi.
Ông Khánh cho rằng hợp đồng ông ký với Công ty Ba Son có giá trị đến năm 2014 và đang còn giá trị. Vì ông đã thanh toán 250 tỉ đồng và đây không phải hợp đồng mua bán bất động sản bình thường...
Tại phiên xử, ông Bình thừa nhận việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB 75,6 tỉ để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay mà trước đó ông đã nhờ đứng tên vay tại DAB. Ông Bình đã chỉ đạo thuộc cấp lập chứng từ thu, nộp khống chiếm đoạt số tiền trên.
Cơ quan tố tụng buộc ông Bình có trách nhiệm bồi thường số tiền này cho DAB. Ngoài ra, ông Bình không có ý kiến gì về việc ông và 12 cá nhân liên quan có dấu hiệu phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, áp dụng chính sách hình sự, CQĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Bình cùng 12 cá nhân liên quan.
Cụ thể là hành vi lập chứng từ thu khống 1.176 tỉ đồng để trả nợ cho 30 khoản vay liên quan đến việc mua năm tài sản của Nhóm TTC và đầu tư Dự án Richland Hill; thanh toán tiền mua 35% vốn góp tại Công ty Bắc Bình và 20,33% vốn góp tại Công ty Thái An...
Bộ Công an đã thực hiện thu hồi tài sản liên quan là 100% vốn góp tại Công ty TNHH Hiệp Phú Gia (Dự án Richland Hill), 100% vốn góp tại Công ty TNHH XD & PT Đô thị Thái An (đơn vị đầu tư gói 1 và 1.500m2 đất gói 2 thuộc Dự án khu Đô thị Mỹ Gia)
Ngoài ra cũng thu hồi 29% cổ phần tại Công ty CP PTĐT Vĩnh Thái để khắc phục hơn 1.176 tỉ thu khống và trả nợ 2.477 tỉ của 14 khoản vay tại DAB do Bình chỉ đạo các cá nhân, tổ chức đứng tên vay. CQĐT cũng buộc ông Bình có trách nhiệm bồi thường cho DAB số tiền còn thiếu sau khi xử lý các tài sản đã thu giữ nêu trên.
Cáo trạng thể hiện hành vi của ông Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB bị lỗ lũy kế hơn 31 ngàn tỉ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25 ngàn tỉ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47 ngàn tỉ đồng