Phát hành trái phiếu quốc tế gọi vốn nước ngoài đang trở thành cuộc chơi mới và hấp dẫn cho nhiều ngân hàng (NH) lẫn doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Điều này cho thấy sự tự tin, am hiểu thị trường cũng như độ tín nhiệm cao của các đại gia Việt trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Tuy vậy, để gọi vốn thành công không hề đơn giản.
Thương vụ khủng tỉ USD
Vào đầu tháng 9 vừa qua, NH HDBank đã triển khai kế hoạch phát hành 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế kỳ hạn năm năm với mục đích bổ sung vào nguồn vốn tự có của NH này. Đối tượng của đợt chào bán riêng lẻ này là nhà đầu tư tổ chức và sẽ phát hành tại thị trường Đức, Singapore. Đây là kế hoạch nằm trong nghị quyết đã được đại hội cổ đông thông qua trong năm 2020 về việc phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị 1 tỉ USD.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HDBank, việc phát hành 1 tỉ USD trái phiếu tại nước ngoài nhằm đón đầu dòng vốn giá rẻ mà các nước trên thế giới tung ra để hỗ trợ nền kinh tế hậu COVID-19. Hiện tổng tài sản của NH đã trên 10 tỉ USD và vốn chủ sở hữu là 1 tỉ USD, do vậy việc tham gia thị trường vốn quốc tế là xu hướng và quy luật phát triển.
“Chúng tôi quyết định phát hành trái phiếu quốc tế vào thời điểm này vì các nước đang trong quá trình hỗ trợ kinh tế khi gặp COVID-19, bơm thêm tiền rất lớn ra thị trường với lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, tạo ra nguồn vốn dồi dào trên thị trường vốn quốc tế. Đây là thời điểm thuận lợi để phát hành nguồn vốn dài hạn và có mức lãi suất tốt trong kế hoạch lâu dài của NH. Qua đó bổ sung cho các nguồn vốn có khả năng tài trợ cho các dự án, đặc biệt là những dự án cho mục đích phục hồi hậu COVID-19” - bà Thảo lý giải thêm.
Không chỉ HDBank hướng đến gọi vốn nước ngoài mà hàng loạt đại gia và nhiều NH cũng đã lên kế hoạch gọi vốn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế. Đơn cử vào hồi tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Vingroup lên kế hoạch chào bán và niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Tương tự, NH Thương mại Đông Nam Á (SeABank) cũng lên kế hoạch phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế trong năm nay. Không đứng ngoài cuộc, NH ACB cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế bằng đồng USD trong năm nay với tổng khối lượng phát hành không quá 10% tổng huy động tiền gửi của khách hàng theo kỳ hạn trung và dài hạn.
Nhiều đơn vị kinh doanh Việt đang tăng cường gọi vốn quốc tế. Trong ảnh:Quỹ đầu tư VinaCapital trong một lần gọi vốn trên sàn chứng khoán London (Anh). Ảnh: TL
Tự tin bước ra sân chơi quốc tế
Trên thực tế, việc nhiều DN, NH Việt tăng tốc phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài là một tín hiệu đáng mừng. Qua đó cho thấy các nhà kinh doanh Việt đã có đủ tự tin cũng như đủ uy tín thuyết phục thị trường nước ngoài để huy động vốn, giúp họ có thêm một kênh huy động vốn mới giá rẻ.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, đánh giá các DN hay NH gọi vốn quốc tế vì họ xem xét đây là thời điểm thuận lợi dễ vay vốn với lãi suất hấp dẫn. Trong đó, các DN lớn muốn tìm đến vốn trên thị trường quốc tế cho các mục đích phát triển dài hạn, trong khi các NH ngoài việc dùng nguồn vốn cho các mục tiêu kinh doanh trung và dài hạn còn để đáp ứng các hệ số an toàn vốn. “Các NH tự tin gọi vốn quốc tế vì nhận được hệ số tín nhiệm cao từ các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín” - ông Lực nhận xét.
Chẳng hạn, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu nhưng NH HDBank vẫn nhận được đánh giá B1 từ cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s. Điều này cho thấy năng lực tài chính tốt, ít rủi ro tài chính và cơ hội phát triển dài hạn của NH.
“Việc bước ra sân chơi huy động vốn quốc tế còn giúp các đơn vị gia tăng nội lực, xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, có nguồn vốn ngoại tệ. Ngoài ra giúp họ có thể trả nợ đúng hạn và việc được tăng hạng tín nhiệm cũng giúp các DN thực hiện các đợt phát hành trái phiếu tiếp theo hưởng lãi suất thấp hơn trước” - vị chuyên gia này bình luận.
Không dễ vay tiền
Trên thực tế, nhiều công ty Việt đã phát hành khá thành công trái phiếu quốc tế. Chẳng hạn từ năm 2013 đến nay, Vingroup đã huy động được hàng tỉ USD. VPBank cũng thu được từ thương vụ huy động 300 triệu USD, tương đương hơn 7.100 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn ba năm vào hồi tháng 7 năm ngoái. Novaland cũng vừa huy động thành công hàng trăm triệu USD.
Trả lời báo chí, TS Nguyễn Minh Phong cho biết lợi ích gọi vốn nước ngoài là phù hợp vì giúp bổ sung nguồn vốn mới, giá rẻ để hoạt động kinh doanh, không phụ thuộc vào thị trường trong nước. Nhưng phát hành trái phiếu quốc tế không phải dễ do sự khác biệt về luật pháp, môi trường kinh doanh nên đòi hỏi DN phải được xếp hạng tín nhiệm quốc tế mới thuyết phục được nhà đầu tư bỏ tiền.
NH Thế giới (World Bank) cũng khuyến nghị DN phát hành trái phiếu quốc tế để thành công cần phải xem xét đến quy mô của đợt phát hành. Có nghĩa là các nhà đầu tư quốc tế thường yêu cầu khoản phát hành lên đến con số hàng trăm triệu USD để dễ giao dịch và tăng tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, cũng cần xác định mệnh giá đồng tiền trên trái phiếu phát hành để đừng dính đến rủi ro tỉ giá và kỳ hạn phát hành cũng nên được tính toán vì ảnh hưởng đến lãi suất. Chẳng hạn, nhiều thị trường chấp nhận tiền USD nhưng các thị trường khác lại chỉ chấp nhận tiền euro.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra một số khó khăn khi phát hành trái phiếu quốc tế. Ví dụ, nếu công ty Việt hiểu biết chưa đầy đủ về thị trường nước ngoài dẫn đến đánh giá không đúng sẽ phải vay với lãi suất cao, tự tạo ra cái bẫy thanh toán, tức vay xong nhưng không trả được nợ và làm mất niềm tin với đối tác.
Thời điểm khá thuận lợi Một số chuyên gia phân tích thời điểm này phát hành trái phiếu quốc tế có lợi thế vì có bệ đỡ tỉ giá hỗ trợ tốt. Cụ thể, do nền tảng kinh tế Việt Nam liên tục thặng dư thương mại nên tiền đồng giữ giá trị, thậm chí tăng giá so với USD và qua đó giúp các tổ chức phát hành trái phiếu quốc tế không gặp rủi ro về tỉ giá. Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát tín hiệu giữ lãi suất đồng USD gần bằng 0% kéo dài đến năm 2023. Điều này giúp việc phát hành trái phiếu quốc tế dễ dàng hơn với lãi suất không quá cao so với trước đây. |