Đi vay tiền mà ngồi ghế hạng thương gia

Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VERP tổ chức ngày 16-1, các chuyên gia đã phân tích nhiều vấn đề về đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.

Chuyển động chưa đều

Điểm lại năm 2016, TS Lê Đăng Doanh nhận định: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực trong cải cách. “Thủ tướng khi vừa nhậm chức đã đối thoại ngay với doanh nghiệp (DN), bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh vô lý. Rồi can thiệp vụ quán cà phê Xin Chào, tuyên bố không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” - TS Doanh liệt kê. Tuy nhiên, TS Doanh cũng nhìn nhận dù Chính phủ có những nỗ lực lớn nhưng chuyển biến thực tế chưa cao.

“Các bạn hãy thử đi hỏi doanh nghiệp xem tết này họ làm gì, họ có thôi đi biếu xén không. Tôi hỏi thì họ cười và nói rằng nếu tôi nghĩ DN khỏi biếu xén thì tôi quá ngây thơ” - TS Doanh kể.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Năm 2016 là một năm có nhiều chuyển động chưa đều. “Chỉ có Thủ tướng và một số bộ trưởng, còn đa số chưa thấy chuyển động. Nếu xét về địa chỉ cụ thể thì có một số nơi như Bộ Công Thương. Bộ này đã sửa nhiều văn bản, gỡ đi những khó khăn mà DN kêu hoài. Nhưng những chính sách mới mang tính chất hỗ trợ thì chưa được bao nhiêu” - bà Lan nói.

TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng Chính phủ chuyển động mạnh mà ở dưới không chuyển động sẽ dẫn đến khả năng thực thi của các chính sách yếu dần. “Cần phải có cơ chế để giám sát và quy trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách” - TS Cường nói.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (trái)đang phát biểu tại buổi tọa đàm công bố  báo cáo kinh tế vĩ mô 2016 ngày 16-1. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Người đi vay ngồi ghế hạng thương gia”

TS Doanh cho rằng phải thắt chặt chi tiêu một cách mạnh mẽ hơn nữa. Nêu một ví dụ rất cụ thể, TS Doanh cho hay có UBND xã nợ quán nhậu hơn 100 triệu đồng cả năm không trả, nợ cả quán karaoke.

“Ở Thụy Điển trước đây có ông thứ trưởng đi hai vé máy bay hạng thương gia và sau đó phải từ chức ngay dù Thụy Điển là nước gần như giàu nhất thế giới. Tôi đề nghị xem xét nguồn chi vì không có nước nào chi thường xuyên kinh khủng như thế. Giao lưu, quán nhậu, karaoke nợ như thế, không biết cộng lại các xã thì nợ như vậy là bao nhiêu” - TS Doanh nêu vấn đề.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng cần phải dừng ngay kiểu thay vì chi ngân sách tiếp khách thì lại gọi DN đến thanh toán. Kể câu chuyện về bà Victoria Kwa Kwa, vốn là đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, luôn đi máy bay vé thường, còn có những quan chức của Việt Nam luôn đi máy bay hạng thương gia, bà Phạm Chi Lan nhận xét: “Người cho vay ngồi hạng thường, còn người đi vay ngồi hạng thương gia. Cộng những khoản này lại thành khoản lớn”.

Bên cạnh những ví dụ vi mô, các chuyên gia cũng đề cập đến những vấn đề vĩ mô của năm 2017.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng: Năm 2017 Việt Nam có cả động lực và lực cản. Theo ông Tuyển, lực cản lớn nhất là nợ xấu, bởi nó làm cho không gian chính sách tài chính, tiền tệ eo hẹp, khả năng đầu tư công hạn chế do không có đủ vốn. Ngoài ra, sức ép về tỉ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát.

Dù thừa nhận đánh giá tăng trưởng năm 2017 sẽ đạt khoảng 6,4% nhưng ông Tuyển dựa vào tình hình bất định của thế giới và nói cần phải theo dõi thường xuyên. Nhưng điều ông Tuyển nhấn mạnh chính là niềm tin của người dân. “Niềm tin của dân quan trọng lắm và Chính phủ cần lấy lại niềm tin trong dân” - ông Tuyển khẳng định.

Đồng tình, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Số DN đăng ký mới tăng vọt là một tia hy vọng trong điều kiện hiện nay.

Bà Phạm Chi Lan cho đó là hiệu ứng của niềm tin và vấn đề còn lại là điều đó cần được củng cố để tiếp tục phát triển trong năm 2017.

Bỏ loa phường là hợp với tình hình mới

Tôi đánh giá rất cao ý tưởng bỏ loa phường của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Thế kỷ 21 mà vẫn dùng phương tiện này là thể hiện việc không chịu cải cách. Khu nhà tôi bình thường không phát loa phường nhưng khi bầu cử phát ba ngày liên tiếp. Con anh hàng xóm mới sinh một tháng không ngủ được. Chúng ta có não trạng quá hoài cổ, kể cả với những cái không phù hợp nữa. Bối cảnh mới chúng ta phải có chính sách mới. Đừng áp dụng chính sách cũ cho bối cảnh mới.

TS VŨ SỸ CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm