Đậm đà lễ tục Đoan dương

(PLO)- Ngày mùng 5 tháng 5 là một ngày mang triết lý hội ý bằng con số độc đáo, tháng Năm là tháng Ngọ, Ngọ lại nằm ở chính Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), PLO xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Hồ Nhựt Quang về lễ tục dân gian này.

Nguồn gốc lễ tục mùng 5 tháng 5

Tục cúng mùng 5 tháng 5 được nhiều quốc gia ở Châu Á tổ chức như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… với truyền thuyết và ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam ta lại gắn liền với truyền thuyết liên quan đến văn hóa RỒNG và văn hóa cầu mùa. Ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ và trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

Tháng Năm ngày tết Đoan Dương,

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.

Mọi người quây quần làm bánh ú tro trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: N.TÝ

Mọi người quây quần làm bánh ú tro trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: N.TÝ

Theo truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con nhắc nhở thời kỳ khởi thủy của dân tộc ta và nhà nước đầu tiên là Văn Lang. Từ đây đã kiến tạo nên nền tảng văn hóa và bản sắc, đặc biệt là hai tiếng “đồng bào” rất đổi thân thương, nêu cao tinh thần đoàn kết, lòng trượng nghĩa, sự thủy chung, keo sơn gắn bó.

Từ đây, giá trị nhân sinh quan và vũ trụ quan, hay nói đúng hơn “Thiên-Địa-Nhân” có sự giao hòa để hướng đến sự củng cố nơi ăn chốn ở an cư lạc nghiệp của cộng đồng người Việt được an toàn và thịnh vượng nhất.

Ngày xưa, dân ta rất thuần thục trong cách dùng triết lý kinh dịch như “trời tròn-đất vuông” trong sự tích bánh chưng-bánh dày, lại còn biết đặt 12 con Giáp để làm chu kỳ cho giờ-ngày-tháng-năm.

Chu kỳ 12 con Giáp được bắt đầu bằng Tý (tức là con chuột), đến con thứ 7 là Ngọ (tức là con ngựa) nên tháng Ngọ được xem là đầu nửa chu kỳ 12 con Giáp, nên dân gian hay gọi là Tết Giữa Năm. Vì bắt đầu tháng Ngọ nên được gọi là Đoan Ngọ, theo chữ Nho thì từ Đoan có nghĩa là đầu mối, còn có nghĩa là chính trực, ngay thẳng.

Tuy nhiên, người xưa còn dùng quẻ dịch để đặt tên cho 12 tháng, và tháng Năm thuộc về quẻ Thiên Phong Cấu (天風姤) với 5 hào dương ở trên và 1 hào âm dưới cùng.

Theo chữ Nho, Thiên Phong (天風) nghĩa là gió trời, Cấu () có nghĩa là tốt đẹp. Vậy thì, yếu tố cầu mùa “mưa thuận-gió hòa” với khát vọng và ước mơ chính đáng của một dân tộc sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước từ lâu đã định hình nên lễ hội độc đá, trong đó có lễ hội mùng 5 tháng 5.

Đây là một ngày mang triết lý hội ý bằng con số độc đáo, tháng Năm là tháng Ngọ, Ngọ lại nằm ở chính Nam, ngày mùng 5 được xem là ngày Ngũ Phúc (Phú Quý Thọ Khang Ninh), là ngày Giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ của đất nước Nam ta. Một đất nước gắn liền với truyền thuyết về Rồng vốn là con vật được hóa sinh từ cá chép vượt vũ môn, bay cao bay xa nhờ sức mạnh của thần gió mà chiến thắng để hóa kiếp thành Rồng.

Khi đã hóa thành Rồng thì lại được Thượng đế ban cho viên ngọc quyền năng có thể hóa nắng hóa mưa, tạo hơi nóng-hơi lạnh cho dương gian và tạo ra 4 mùa 8 tiết. Chính vì thế, hình tượng Rồng Việt Nam khác với các quốc gia khác là Rồng ngậm ngọc.

Lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ

Trong dịp này, dân ta mượn rượu với ý nghĩa “tinh-khí-thần” làm cơm rượu viên tròn và mượn gạo nếp làm chè trôi nước tựa như viên ngọc kỳ bí trong truyền thuyết để mang lại thuận lợi may mắn cho chúng dân.

,,

Làm bánh ú tro trong dịp Tết Đoan Ngọ của một gia đình ở xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh.

Rồng liên quan đến nguồn gốc cá chép và giao long nên để có năng lượng và sức lực mạnh mẽ bay qua vũ môn mà dân ta đã làm nên loại bánh ú tro với màu hổ phách trong veo tựa như trứng con ong-đây là một loại thức ăn cho cá và giao long nên có một số dân tộc làm bánh ú tro thả trên sông cúng giao long.

Trong chữ Nho, chữ U, còn có âm là ú” 蚴 có nghĩa là con ong, trong chữ này có bộ “trùng” nghĩa là côn trùng và có bộ “lực” nghĩa là sức mạnh. Vì liên quan đến Rồng nên tại Nhật Bản, ngày mùng 5 tháng 5 Tây lịch được xem là ngày Koi-nobori (Cá chép bay) nên trước nhà và đường phố hay trang trí cờ cá chép rất màu sắc và vui nhộn.

Trước nhà thường treo một bó lá trong đó có nhánh xương rồng để tránh sâu bọ. Ảnh: N.TÝ

Trước nhà thường treo một bó lá trong đó có nhánh xương rồng để tránh sâu bọ. Ảnh: N.TÝ

Ngoài ra, vì là tháng của gió trời nên sẽ mang theo sự di chuyển của nhiều côn trùng đến nên còn được xem là lễ hội diệt sâu bọ. Ở tại miền Nam Việt Nam ta, ngoài lễ cúng với các món như bánh xèo, món thịt vịt, trái cây, bánh ú tro, bánh trôi nước, dân gian còn treo một nhánh xương rồng treo trước hàng ba để tránh sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ được xem là Tết giữa năm, là giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ, là dịp bà con trong dòng tộc sum họp về nhà từ đường cúng kính tiền nhân. Trước là để nhắc nguồn cội, bày tỏ ước mơ cuộc sống thịnh vượng, đồng thời cũng là dịp gắn kết tình cảm keo sơn gắn bó trong dòng tộc.

Món bánh xèo vốn dĩ là món ăn bốc tay - một cách ăn của thời khẩn hoang. Màu vàng của bánh là màu hành Thổ để tạ ơn đất đai viên trạch, vị chén nước mắm có chua-cay-mặn-ngọt-nồng tựa như hương vị cuộc đời nếm trải đầy thi vị, khi thưởng thức phải bật tất cả giác quan như mũi ngửi, mắt thấy, vị nếm, tai nghe…

Món vịt được xem là món tượng ý vì con vịt có thể an toàn đi trên đất, bơi trên nước dễ dàng thích nghi và sống rất thanh cao vì không làm lấm lem bộ lông mặc dù lặn lội vất vả kiếm ăn. Vịt sống đoàn kết và nghĩa tình, có gì ăn là kêu lên cho đồng loại cùng ăn.

Ở nước ta, ngày tết Đoan Ngọ luôn được lưu giữ, đặc biệt ở các miền quê. Đương nhiên mỗi vùng sẽ có vài món giống và khác nhau nhưng luôn là dịp các thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau và cùng thưởng thức các món ăn đặc trưng nhất cho ngày tết Đoan Ngọ.

Bà Phan Thị Ba, người gắn bó nghề bánh ú tro bán trong dịp Tết nửa năm gần 20 năm qua. Ảnh: N.TÝ

Bà Phan Thị Ba, người gắn bó nghề bánh ú tro bán trong dịp Tết nửa năm gần 20 năm qua. Ảnh: N.TÝ

Đây là cái tết sum họp và đầm ấm nhất sau Tết Nguyên Đán và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân, con cháu dù làm ăn xa xôi cũng sẽ cố gắng thu xếp để về với gia đình.

Vào ngày này, hầu hết các gia đình đều thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị các đồ, phẩm vật để thờ cúng tổ tiên. Họ luôn cầu mong một năm đơm hoa kết trái và một năm mùa màng bội thu. Sau lễ thì cả nhà cùng thưởng thức và ăn các loại trái cây, ăn bánh tro hay rượu nếp và một số món ăn khác…

Tết Đoan Ngọ mở ra cho chúng ta một hành trình mới với nhiều thông điệp quan trọng đầy năng lượng tích cực như yêu hơn nguồn cội, ý thức về sức khỏe và môi trường sống, sức mạnh chuyển hóa để tạo nên phiên bản thành công tốt đẹp hơn, trao gửi ước mơ về sự thịnh vượng, mùa màng tốt tươi, người người khang thái.

Bánh ú tro - lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Nam.

Bánh ú tro - lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Nam.

Chỉ tiếc đây không phải là ngày nghỉ lễ nên chắc chắn không trọn vẹn cho người đi làm xí nghiệp, công sở bận rộn, tuy nhiên, các phẩm vật như bánh ú tro, chè trôi nước, cơm rượu… bày bán ở phố chợ trong dịp này luôn là ấn tượng rất đẹp cho tất cả chúng ta tự hào hơn về một dân tộc có bề dày hơn 4000 năm văn hiến vô cùng độc đáo rất cần phải gìn giữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm