Dân an, dự án ắt sẽ thành!

(PLO)- Câu chuyện di dời, giải tỏa hàng ngàn hộ dân để thực hiện các dự án của TP.HCM tới đây sẽ không gặp quá nhiều trở ngại như lâu nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đang gấp rút để chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm và cấp bách như đường vành đai 3, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, xây mới chung cư cũ… nên sẽ có hàng chục ngàn hộ dân phải rời khỏi nơi ở của mình để đến tái định cư nơi mới, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án.

Với người dân, có thể nói việc phải rời khỏi nơi đã gắn bó với kỷ niệm gia đình, hàng xóm láng giềng nhiều năm, thậm chí là nhiều thế hệ là điều không ai mong muốn. Đó là chưa kể việc dọn đến một nơi ở mới sẽ không tránh khỏi xáo trộn đến sinh hoạt, nếp sống, học tập, sinh kế… của người dân.

Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, thậm chí trong nhiều trường hợp là vì để cải thiện cuộc sống, nơi ăn chốn ở của chính người dân (dời từ nơi ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống trên và ven kênh rạch để đến nơi ở khang trang, văn minh, sạch đẹp hơn) nên người dân sẽ phải hợp tác với Nhà nước vì lợi ích chung.

Còn Nhà nước khi thu hồi đất thì luôn hướng tới hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Vì vậy, đa phần các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) khi thu hồi đất đều được thực hiện chặt chẽ. Nhà nước cũng mong muốn người dân sau khi rời khỏi nơi ở cũ, sẽ có cuộc sống mới tốt hơn.

Điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết 19/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tuy nhiên, nhiều nội dung về BTHTTĐC trong Nghị quyết 19 chưa được cụ thể hóa trong Luật Đất đai và các luật có liên quan nên khi triển khai trong thực tiễn lại không thể thực hiện được.

Theo Luật Đất đai 1993 và 2003, Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất theo dự án rồi mới lập, thẩm định, phê duyệt phương án BTHTTĐC, sau đó ban hành quyết định giải quyết BTHTTĐC tới từng người bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, từ Luật Đất đai 2013 đến nay, việc thu hồi đất phải được tiến hành song song với BTHTTĐC.

Cụ thể là trong một ngày, bốn quyết định liên quan về BTHTTĐC phải được ban hành, gồm: Quyết định thu hồi đất của từng người dân; quyết định phê duyệt giá đất để tính BTHTTĐC của dự án; quyết định phê duyệt phương án BTHTTĐC của từng người bị thu hồi đất; quyết định phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm của dự án.

Theo Nghị quyết 18 mà trung ương vừa ban hành thì công tác BTHTTĐC được đặt lên khâu đầu tiên và “phải đi trước một bước”. Sau khi hoàn thành việc BTHTTĐC (nhất là việc bố trí TĐC cho người dân xong trước) thì mới tiến hành thu hồi đất. Nghị quyết cũng xác định: “Phải có quy định cụ thể về BTHTTĐC để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi”. Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Dân có an thì mọi việc mới thành.

Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện các dự án lâu nay, TP.HCM đã nhận thấy và cũng đã thiết kế, đề xuất cách làm nhưng chưa được trung ương chấp thuận. Do đó lần này, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 18 chính là xác định phương hướng gỡ vướng về mặt thể chế. Quy trình theo nghị quyết sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hồi đất, BTHTTĐC và giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Mong rằng những nội dung tại nghị quyết sẽ được quy định rõ trong luật để làm cơ sở cho địa phương thực hiện thuận lợi nhất, tránh trường hợp mỗi nơi làm một kiểu. Như vậy, câu chuyện di dời, giải tỏa hàng ngàn hộ dân để thực hiện các dự án của TP.HCM tới đây sẽ không gặp quá nhiều trở ngại như lâu nay. Và người dân có đất bị thu hồi cũng không phải chịu thiệt thòi khi đã chịu chấp nhận xáo trộn cuộc sống vì sự phát triển chung của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm