Rời ngôi làng heo hút dưới chân đèo Hải Vân, những người dân làng Vân (ngôi làng của nhiều thế hệ bệnh nhân phong) về khu tái định cư ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Đây là lần “chạy” bão đầu tiên từ khi về nơi ở mới.
Cả làng “chạy” bão
Giữa những trận gió gầm rít liên hồi của cơn bão Nari, những người già, bệnh nhân, trẻ em được khẩn trương di dời ra khỏi khu nhà liền kề (khu tái định cư làng Vân) để đến nơi trú tránh bão.
Từ chiều 14-10, 10 tiếng trước khi cơn bão Nari đổ bộ vào đất liền, hàng chục hộ dân ở khu tái định cư làng Vân đã được di chuyển về nơi trú ẩn tại Trường Trung cấp xây dựng miền Trung (phường Hòa Hiệp Nam). Những gia đình gồng gánh nhau, mang theo cả mì tôm, nước uống, chăn màn, không khí khẩn trương hơn cả chạy giặc. Trong những căn phòng bê tông chật hẹp, mấy tấm ván gồ ghề được kê tạm bợ làm nơi ngả lưng, chị Trần Thị Huyền mang theo đứa con nhỏ đang bú di tản từ sớm, còn anh Nam chồng chị vẫn đang loay hoay chèn chống lại nhà cửa. Lúc này, trời đã nổi gió lớn, mưa như trút nước. “Tôi đã đúc hơn 20 bao cát rồi neo cố định lên mái tôn, buộc lại mái hiên, chống lại tường. Đồ đạc trong nhà, chỉ sơ tán được một số vật dụng nhẹ như: quạt, tivi… ” - anh Nam cho biết.
Lực lượng dân phòng phường Hòa Hiệp Nam giúp gia đình ông Khen di tản.
Trong cơn bão Xangsane năm 2006, làng Vân (cũ) bị gió bão quật tả tơi. Nhiều người phải tìm vào hang đá ở khu vực cạnh đèo Hải Vân để trú tránh. Giờ nhắc lại, anh Nguyễn Xuân Dũng vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hồi đó, gần 80% nhà trong làng bị tốc mái, nhiều nhà bị giật sập. Mọi người phải chia nhau trú ngụ tại một ngôi biệt thự cổ của Pháp và hang đá sau dãy Hải Vân Quan. Sau cơn bão, mọi người trở về thì cả ngôi làng gần như bị san thành bình địa”.
Anh Dũng vẫn đứng ngồi thấp thỏm, không yên: “Bão chưa vào bờ mà mấy mái tôn đã bị bật đinh, kêu rầm rập. Tường nhà mà đổ xuống thì tivi, bàn ghế, giường ngủ cũng tan nát” - anh Dũng lo lắng. Đến hơn 21 giờ 30 (7 tiếng trước khi bão vào), vẫn còn nhiều hộ dân trong làng “cầm cự”, chưa di dời. Họ ngồi trong nhà chăm chú theo dõi hướng gió để tìm cách che chắn. Ngôi làng nằm chơ vơ giữa “họng gió” cứ run lên bần bật mỗi khi gió gầm rít, thổi thốc từ biển vào. Từ nơi trú ẩn, những ánh mắt của người thân thất thần, lo lắng hướng về những ngôi nhà mới xây đang bị quăng quật trước cơn bão dữ. Khoảng 23 giờ, khi những cơn gió tăng cường độ, bắn thẳng những hạt mưa vào mặt người như vãi trấu, những người còn sót lại ở làng Vân mới chịu di chuyển.
Những đứa trẻ ở làng Vân.
Trắng đêm canh bão
“Lên trú ẩn ở đây mà nóng ruột quá. Ở nhà, lỡ có chuyện gì còn hy vọng vớt vát ít đồ đạc chuyển ra ngoài, sau bão còn có cái mà ăn” - anh Nam phàn nàn.
Gần 2 giờ sáng 15-10, hàng chục hộ dân vẫn không ai chợp mắt. Thấy mấy tấm tôn bị gió thổi tốc lên từ khu nhà, nhiều người lo lắng. “Gió càng ngày càng mạnh hơn, sợ căn nhà tôi chịu không nổi. Mấy bức tường sẽ đổ sập nếu cường độ bão giữ nguyên cho đến sáng” - chị Lê Thị Hải nói. Căn nhà cấp bốn nằm đầu dãy nhà liền kề của chị Hải được Nhà nước hỗ trợ xây dựng từ cuối năm 2011. Gia đình chị đã dốc hết vốn liếng, sửa sang lại nhà cửa khang trang để chuẩn bị cưới vợ cho anh con trai cả. Nay sơn chưa kịp khô, bão đã đến, cả gia đình năm nhân khẩu lại vén dọn lên đây lánh nạn. Cùng cảnh ngộ, anh Trương Quang Thông cũng vừa mới sửa lại nhà, chưa kịp khai trương. “Lúc bão còn cách bờ hơn 50 km, gió mạnh đã giật sập cái la-phông. Lúc đó, em gái tôi vẫn đang ngủ trong nhà, tấm la-phông rơi xuống chỉ cách có gang tay” - anh Thông nói. Hoảng quá, hai anh em Thông dắt nhau lên khu ký túc xá lánh nạn. Ngoài trời, từng cơn gió vẫn gầm rít, mưa dày đặc. Phía bên trong mấy căn phòng tối thui, những đứa trẻ ngáp ngắn, ngáp dài, cố dụi mắt cho tỉnh để chờ xem bão. Hầu hết, các căn phòng trong ký túc đều đã chật kín người, phải gối đầu tựa nhau. Nhiều người tranh thủ dựa lưng vào tường chợp mắt nhưng cũng chập chờn bởi những tiếng gào rít của mưa, gió, mái tôn bay hỗn độn bên ngoài.
Người dân thấp thỏm chờ cơn bão đổ bộ. Ảnh: TT
4 giờ sáng 15-10, tâm bão Nari bắt đầu tràn qua vùng làng Vân. Cả khu trú ẩn bị đánh thức bởi những tiếng ầm ầm, mảng tường bằng tôn bao quanh làng đã bị giật sập. Từng mảng tôn lớn cỡ 4-5 m thổi bay dính vào cây cối ven đường, chỉ trơ lại mấy khung sắt hoen rỉ.
Tình người trong bão dữ
Nếu như lâu nay những người dân ở làng Vân luôn sống trong sự đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của những người “cùng cảnh ngộ”. Với họ, đó là “nguồn sống” bao năm nay của một ngôi làng từng bị người đời dèm pha, kỳ thị vì bệnh phong. Nhưng trong lần “chạy bão” đầu tiên khi về đất liền, giữa giông bão quật cuồng, người làng Vân đã nhận ra một điều: “Họ vẫn được yêu thương, được đùm bọc bởi những người khác trong xã hội, ngoài những thành viên của cái làng nhỏ bé nằm bên rìa biển Đông”.
Vốn bị căn bệnh phong quái ác “ăn” đứt chân đến tận đầu gối, gần 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Đào phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân, hàng xóm. Trong đợt “chạy bão” lần này, từ chập tối, đội dân phòng phường Hòa Hiệp Nam đã đến giúp bà di tản. Sau khi mặc áo mưa che kín, bà Đào được cõng ra xe để đến nơi trú ẩn. “Các chú ấy tội lắm, mưa gió bão bùng nhưng vẫn nhiệt tình giúp dân. Nếu không có mấy chú dân phòng, chắc tôi cũng không có cách nào thoát khỏi ngôi nhà” - bà Đào tâm sự.
Sau khi đã di dời gần hết người dân trong làng đến nơi trú ẩn, đến khoảng 23 giờ 15, anh Dũng sực nhớ đến hộ của gia đình ông Trịnh Khen (73 tuổi) chưa có mặt. “Ông Khen bị bệnh, phải đi lại bằng xe lăn nên gia đình không muốn di dời. Họ cài khóa trong, tắt hết điện rồi “cố thủ” bên trong nên người làng đành chịu” - anh Dũng cho biết. Ngoài vợ chồng ông Khen còn có hai đứa cháu ngoại mới sáu tuổi vẫn ở lại trong vùng nguy hiểm. Lúc này, gió đã quật mạnh từng đợt liên hồi, cây cối hai bên đường đã bị ngã rạp, mái tôn bị gió hất tung bay lởn vởn trên không như lá cây. Trung úy Hoàng Đạo Dũng (Công an phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cùng hai dân phòng đội bão quay lại khu nhà đón gia đình ông Khen. “Lúc chúng tôi đến, gió đã quật văng mấy tấm tôn bên nhà ông Khen. Cả gia đình đã tỏ ra hoảng sợ” - Trung úy Dũng cho hay. Anh Dũng phải mặc áo mưa rồi cõng cụ Khen trên lưng, hai tay dắt theo hai đứa cháu nhỏ. Còn hai dân phòng mang đồ đạc, đỡ bà Thốt vợ ông đến nơi trú ẩn.
Đến 9 giờ sáng 15-10, nhiều người dân làng Vân đã rời nơi trú ẩn về lại nhà của mình. “Do được chuẩn bị kỹ nên cả làng chỉ có một vài nhà bị sập la-phông, mái tôn… Chúng tôi sẽ giúp đỡ nhau sửa chữa lại” - anh Nam cho biết.
TẤN TÀI