Đang giải quyết khiếu nại mà đương sự livestream có được không?

(PLO)- Tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật Tổ chức TAND, Phó Chánh án TAND TP.HCM Quách Hữu Thái đặt vấn đề nếu tại tòa đang giải quyết khiếu nại mà đương sự livestream thì có được không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (14-9), TAND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Tham gia hội nghị có bà Văn Thị Bạch Tuyết Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM và một số ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Về phía TAND TP.HCM, có ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó chánh án TAND TP.HCM), ông Quách Hữu Thái (Phó chánh án TAND TP.HCM).. cùng các đại diện các tòa án quận, huyện và TP. Thủ Đức...

Luat-To-chuc-TAND-suadoi.jpg
Hội nghị do ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) và bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội TP.HCM) chủ trì. Ảnh: YC

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV) cho rằng dự thảo bổ sung hai nhiệm vụ, quyền hạn mới cho tòa án, đó là xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Bà Hạnh đồng tình với đề xuất tòa án được xét xử vi phạm hành chính, đây cũng là xu hướng. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, cần xem xét thêm về đề xuất này vì pháp luật về vi phạm hành chính rất đa dạng, phức tạp nhưng nội dung chính sách chưa được đánh giá tác động, việc quy định mở là thực hiện theo các luật (ban hành sau) tạo sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Đối với đề xuất tòa án có quyền giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, bà Hạnh cho là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều quy định lại có nhiều cách hiểu khác nhau. Cạnh đó, việc xét xử án hành chính, các cơ quan thường dựa vào bản án của tòa để áp dụng vụ việc tương tự. Vì vậy cần làm rõ nội hàm giải thích áp dụng pháp luật là như thế nào?

Cũng theo bà Hạnh, về xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử không có thay đổi gì so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, quy định tòa án được áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết nhưng làm sao để xác định văn bản nào có hiệu lực pháp lý cao hơn? Bởi hiện nay, Luật Ban hành văn bản không có quy định thứ bậc của của các văn bản quy phạm pháp luật. Bà Hạnh nêu ví dụ như Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng chính phủ thì cái nào có hiệu lực cao hơn.

Liên quan đến đề xuất tòa được xét xử vi phạm hành chính, bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng cần cân nhắc thêm. Bởi, khi góp ý sửa đổi Luật đất đai cũng đã chuyển các tranh chấp đất đai cho tòa án giải quyết rồi, trong khi bộ máy tòa án không tăng thì tòa án có làm nổi hay không.

Cạnh đó, Điều 17 dự thảo quy định bản án, quyết định của tòa án nếu có sai sót hoặc vi phạm pháp luật phải do tòa án có thẩm quyền xem xét, kết luận và khắc phục theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trong khi đó, theo bà Tuyết, quá trình giám sát của Đoàn ĐBQH TP cho thấy có nhiều bản án không sai nhưng thi hành không được và thẩm phán cũng không thể giải thích.

Từ đó, bà Tuyết đặt vấn đề: Chưa bàn đến việc đúng sai nhưng có những bản án chưa rõ dẫn đến thi hành không được thì sẽ làm sao? Điều 17 dự thảo quy định như vậy thì có xử lý được những trường hợp trên không?

Cũng tại hội nghị, ông Quách Hữu Thái (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho biết, Điều 141 dự thảo quy định về hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp thì việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Tuy nhiên, hoạt động của tòa rất nhiều chứ không chỉ mở phiên tòa, phiên họp. Ông Thái đặt vấn đề nếu tại tòa đang giải quyết khiếu nại mà đương sự livestream hay đang ghi lời khai mà đương sự bật điện thoại ghi hình thì được không? Vì vậy, theo ông Thái nên bổ sung thêm quy định về ghi âm ghi hình trong tất cả các hoạt động.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng đa số các ý kiến đồng nhất với dự thảo, cũng còn một số ít ý kiến khác sẽ ghi nhận và trao đổi trong hội nghị tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm