Đang xem xét kháng nghị giám đốc thẩm có được hoãn thi hành án?

Mới đây, một vụ án dân sự đã được đưa ra thi hành nhưng tạm hoãn vì có văn bản đề nghị hoãn thi hành ba tháng để xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Có những vụ án dù đã có hiệu lực nhưng phải hoãn thi hành sáu tháng vì người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm lần lượt yêu cầu hoãn thi hành để xem xét kháng nghị.

Hình minh họa. Ảnh: PLO

Nhiều bạn đọc thắc mắc, quy định cho phép người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án được yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét kháng nghị có hợp lý hay không? Mặt khác, mỗi chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được yêu cầu hoãn mấy lần?

Theo ThS Huỳnh Quang Thuận (Trường Đại học Luật TP.HCM), khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện thì người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự và thi hành bản án này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định hoãn thi hành án. Một trong những trường hợp đó là cơ quan thi hành án nhận được văn bản yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.

Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định là không quá 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án. Trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.

Theo ThS Thuận, quy định này xuất phát từ việc, nếu bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm sẽ dẫn đến khả năng có thể bị hủy hoặc bị sửa. Lúc này, nếu việc thi hành án đã được thực hiện xong, việc khôi phục hiện trạng ban đầu sẽ là rất khó khăn và tốn kém thời gian, chi phí.

Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật về thi hành án chưa có hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp nào có thể phát sinh "hậu quả không thể khắc phục được", mà phụ thuộc vào nhận định chủ quan của những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng việc hoãn thi hành án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án khi kéo dài thời gian thi hành án. Do đó, quy định này không nên được áp dụng một cách "tùy tiện" theo hướng cứ vụ án nào đương sự có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì người có thẩm quyền đều yêu cầu hoãn thi hành án. Chỉ khi nào với những tình tiết hiện có, người có thẩm quyền kháng nghị nhận thấy có căn cứ để kháng nghị nhưng cần phải có thêm thời gian để xem xét đầy đủ hồ sơ vụ án thì mới áp dụng quy định nêu trên.   

ThS Thuận lưu ý rằng, trên thực tế có nhiều trường hợp cơ quan thi hành án tạm dừng việc thi hành án khi người phải thi hành án nộp biên nhận nhận đơn khiếu nại yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Điều này là trái luật. Bởi biên nhận nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm không phải là căn cứ để hoãn thi hành án mà chỉ được hoãn khi có văn bản yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án đó.

Về số lần yêu cầu hoãn, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Cấp cao và Viện kiểm sát tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị. Vấn đề đặt ra là Luật THADS cũng không cụ thể trong việc mỗi chủ thể có thẩm quyền được yêu cầu hoãn một lần hay tất cả các chủ thể có thẩm quyền chỉ được yêu cầu hoãn một lần.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc các cơ quan tòa án và viện kiểm sát hoạt động một cách độc lập nên mỗi chủ thể có quyền "riêng biệt" trong việc yêu cầu hoãn thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 48. Tức mỗi chủ thể có thẩm quyền kháng nghị được yêu cầu hoãn thi hành án một lần.

Tóm lại, theo ThS Thuận, để áp dụng khoản 2 Điều 48 Luật THADS một cách hiệu quả, đạt được mục đích đặt ra, đòi hỏi người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng các tình tiết của vụ án và đối chiếu với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong BLTTDS năm 2015 để đưa ra quyết định một cách chính xác, khách quan nhất.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm