Ngày 23-5, TAND tỉnh Vĩnh Long xử phúc thẩm đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo yêu cầu bồi thường tiền công lao động và tổn thất tinh thần của bị hại đối với Trần Văn Gòi (52 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, Vĩnh Long) về tội cố ý gây thương tích.
Bị cáo Gọi và anh trai tại phiên tòa
Theo án sơ thẩm, khoảng 15 giờ ngày 12-4-2016, ông Trần Thanh Duy (anh ruột bị cáo Gọi) đến thăm nhà cô ruột ở xã Ngã Tứ, huyện Tam Bình thì gặp ông Gọi.
Do ông Duy và bị cáo có mâu thuẫn từ trước về việc ông Duy cho rằng Gọi có quan hệ bất chính với vợ mình nên khi 2 bên gặp nhau đã xảy ra cự cãi.
Gọi đã tấn công ông Duy gây thương tích. Theo kết quả giám định pháp y ông Duy bị gãy xương sườn, vỡ lách với tỉ lệ thương tật là 30%.
Tháng 11-2016, TAND huyện Tam Bình đã tuyên phạt bị cáo Gọi 9 tháng tù, buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại số tiền gần 32 triệu đồng.
Sau đó, ông Duy có kháng cáo xin tăng hình phạt và yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần và tiền công lao động 200.000 đồng/ngày trong 6 tháng. Tuy nhiên, sau khi nghe tòa giải thích cắt nghĩa, ông Duy đã rút kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với em mình.
Nói về nguyên nhân đánh anh mình, bị cáo Gọi kể: “Bị cáo ấm ức vì anh bôi nhọ danh dự của bị cáo, nói với mọi người là bị cáo lấy chị dâu. Bị cáo đã nhịn 10 năm nay rồi, không thể nhịn cả đời. Hôm đó bị cáo lại có uống chút rượu nên không kiềm chế được hành vi của mình. Bị cáo nhận lỗi của mình với anh”.
Vị chủ tọa trách vấn: “Bị cáo đã nhịn được 10 năm sao không nhịn tiếp, dù gì cũng là anh em ruột với nhau đánh nhau, kéo nhau ra tòa, người thương tích, kẻ đi tù”. Lúc này bị cáo cúi mặt lặng thinh.
Riêng bị hại là ông Duy cũng nhận một phần lỗi về mình khi nói em trai có quan hệ bất chính với vợ mình, tuy nhiên bị hại cho rằng đã nói lời đó một lần duy nhất vào năm 2008. Đồng thời ông Duy trình bày: “Tôi rất thương em tôi, tôi nghĩ mức án 9 tháng tù cũng đủ sức để răn đe, giúp nó nhận ra lỗi lầm của mình. Riêng về phần trách nhiệm dân sự, nay tôi bị thương tích bác sĩ không cho làm việc nặng thời gian dài nên tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần và 6 tháng ngày công lao động”.
Tuy nhiên bị cáo một mực không chấp nhận mức yêu cầu bồi thường mà bị hại đưa ra. “Bị cáo không biết tiền tổn thất tinh thần là tiền gì, nếu nói về tổn thất tinh thần thì đâu chỉ có anh mới có, bị cáo cũng bị tổn thất tinh thần nhiều lắm. Vì thế bị cáo không chấp nhận bồi thường về khoản này”.
Tòa nhận định bị cáo và bị hại là anh em ruột nhưng chỉ vì chút mâu thuẫn bị cáo đã gây thương tích cho anh mình. Việc bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tiền công lao động và tổn thất tinh thần là có cơ sở. Tuy nhiên, bị hại lại không chứng minh được thu nhập của mình, cũng không có văn bản nào của bác sĩ nói bị hại không được làm việc 6 tháng nên tòa chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại chi phí điều trị, tiền tổn thất tinh thần và 2 tháng tiền công lao động (150.000 đồng/ngày). Tổng số tiền là hơn 44 triệu đồng. Do bị hại cũng có một phần lỗi nên phải chịu 30% trên tổng số tiền đó.