Sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc, thường xuyên chia sẻ câu nói “Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Thực hiện tâm niệm ấy, Tổng Bí thư đã mang toàn bộ trí tuệ, tâm huyết, sức lực để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba, có thời gian dài nắm các chức vụ quan trọng nhất trong Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Tổng Bí thư còn là một nhà khoa học, nhà lý luận lỗi lạc và có nhiều đóng góp to lớn trong việc bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng một xã hội thực sự vì con người
Trong các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xuất bản năm 2022 chính là công trình mang tính tổng kết, đồng thời phản ánh toàn bộ những nội dung cần thiết, quan trọng định hướng cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Cuốn sách đã nêu bật tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bởi chỉ có con đường này mới thật sự “đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày nay các nước tư bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, song vẫn không thể nào khắc phục được những mâu thuẫn vốn có, sự khủng hoảng, bất công, mất dân chủ, suy thoái kinh tế vẫn tồn tại, ngày càng gay gắt.
Tổng Bí thư kiên định con đường chủ nghĩa xã hội vì cái mà chúng ta cần là “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…”.
Đương nhiên, trong điều kiện hiện nay, với tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là đối đầu, xung đột với các nước đi theo thể chế chính trị - xã hội khác. Bởi vậy, Tổng Bí thư cũng đưa ra triết lý ngoại giao “cây tre”, phát huy tinh thần độc lập, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường, mở rộng hợp tác mọi nước nước, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đã xác lập mô hình tổng quát về chủ nghĩa xã hội; đặt ra và trả lời hàng loạt các câu hỏi về phương pháp, cách thức, tiến trình và ý nghĩa của công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Đảng, là “linh hồn” của các quyết sách chính trị, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Tổng Bí thư đã hiện thực hóa quan điểm của mình bằng các hành động cụ thể. Bao gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đưa việc chống tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa trở thành điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; mở rộng quan hệ ngoại giao, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế…
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - dấu ấn đặc biệt
Với những nỗ lực của mình, trong thời gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về giảm nghèo… Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt 0,703 vào năm 2021, thuộc nhóm phát triển con người cao và tiến bộ ổn định trên tất cả khía cạnh của HDI.
Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên quan điểm về “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” dưới sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được ghi vào Hiến pháp 2013. Hiến pháp cũng dành hẳn một chương để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Trên phương diện đối ngoại, Việt Nam đã quan hệ ngoại giao với gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Chúng ta đã thiết lập đối tác toàn diện với 12 quốc gia; đối tác chiến lược với 18 quốc gia, trong đó có bảy quốc gia là Đối tác Chiến lược toàn diện (trong đó có sáu đối tác được thiết lập dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Dấu ấn đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và khởi xướng chiến dịch phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chiến dịch này đã đạt được nhiều thắng lợi, phá nhiều vụ án lớn, xử lý nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng và từ đó khắc phục được nhiều thất thoát kinh tế, đồng thời nhận được sự tin yêu của nhân dân.
Song song với việc chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã ban hành Nghị quyết 35/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Ông đã chỉ đạo phát huy sức mạnh toàn dân, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nền tảng tư tưởng của Đảng bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau để lan tỏa các quan điểm tích cực, đúng đắn, nêu gương người tốt, việc tốt; nghiên cứu nhận diện và xác lập các luận cứ đấu tranh, đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng reo rắc các thông tin xấu, độc.
Mặc dù vậy, vấn đề căn cơ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra vẫn là công tác cán bộ và sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, coi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đó là liều thuốc tối cần thiết chống lại mọi sự tuyên truyền phá hoại của các thế lực thù địch, từ đó đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi.
Nhà tư tưởng lớn của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa được toàn bộ tinh thần cốt lõi của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo học thuyết, tư tưởng đó để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm những nội dung mới cho phù hợp với tình hình cụ thể.
Ông cũng đã hiện thực hóa quan điểm vì con người của lý luận chủ nghĩa xã hội bằng rất nhiều hoạt động cụ thể cũng như bằng chính nhân cách và lối sống của bản thân. Với tư duy độc lập, trí tuệ uyên bác, sắc sảo và những cống hiến đã nêu, dẫu chưa bao giờ tự nhận, nhưng những quan điểm về chủ nghĩa xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thật sự mang tầm vóc tư tưởng và ông thật sự trở thành một nhà tư tưởng lớn của Đảng ta.
(*) TS Nguyễn Quỳnh Anh, Trường Đại học An ninh nhân dân