“Tôi thấy cái chữ “nghệ sĩ hải ngoại” không có ý nghĩa gì hết trong nghề nghiệp phục vụ văn nghệ cho khán giả của mình” - nghệ sĩ Hoài Linh nói.
. Phóng viên: Anh hẳn có điều muốn chia sẻ với khán giả khi biết tin mình được đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú?
+ Nghệ sĩ Hoài Linh: Tôi nghĩ rằng là nghệ sĩ ưu tú thì trước nhất phải là người được khán giả thương yêu, công nhận. Nếu tôi có thói hư tật xấu, đạo đức không tốt thì không chỉ khán giả mà đồng nghiệp cũng sẽ không công nhận tôi, hội đồng xét chọn sẽ chẳng đề nghị cho tôi. Riêng với nghề nghiệp, với khán giả, có là nghệ sĩ ưu tú hay không là nghệ sĩ ưu tú thì tôi cũng sẽ luôn hết lòng với nghề nghiệp, tổ nghiệp, diễn hết mình vì khán giả.
Nghệ sĩ Hoài Linh đang là cái tên ăn khách hàng đầu trong làng giải trí Việt Nam. Ảnh: HÒA BÌNH
. Là trường hợp nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, anh nghĩ gì?
+ Nói chung là tôi thấy vui mừng, vinh dự, tự hào về điều này. Tôi hy vọng trường hợp của tôi sẽ là tiền lệ cho nhiều nghệ sĩ hải ngoại về sau được đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Tôi cũng mong rằng các nghệ sĩ hải ngoại khác cũng như tôi, mạnh dạn tham gia các cuộc liên hoan sân khấu, hội diễn, các cuộc thi nghề nghiệp, chuyên nghiệp được tổ chức trong nước để trau dồi, trao đổi nghề nghiệp với nhiều đồng nghiệp khác, cũng như có đủ điều kiện nếu được xét đề nghị phong tặng danh hiệu.
. Anh là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên về nước hoạt động nhiều và thân thuộc đến mức khán giả hầu như đã quên mất anh là nghệ sĩ hải ngoại mà chỉ nhớ anh là nghệ sĩ Hoài Linh. Anh cũng từng nói: “Tôi rất vui khi bỏ được, bỏ luôn cái chữ nghệ sĩ hải ngoại gắn với tên mình”. Vậy anh quan điểm như thế nào về chuyện nghệ sĩ hải ngoại trong hoạt động văn nghệ - giải trí trong nước?
+ Đúng là tôi thấy cái chữ “nghệ sĩ hải ngoại” không có ý nghĩa gì hết trong nghề nghiệp phục vụ văn nghệ cho khán giả của mình, chỉ là bầu sô thích gọi như vậy cho dễ gây chú ý để bán vé hay sao đó. Với tôi, nghệ sĩ đi đến đâu cũng là nghệ sĩ và cũng chỉ biết phục vụ cho công chúng mà thôi. Thật vô lý khi cùng là một người mà lại bị phân biệt khi là nghệ sĩ trong nước, khi là nghệ sĩ hải ngoại. Như ca sĩ Phi Nhung thì chỉ có một thôi, lúc nào Phi Nhung cũng là Phi Nhung chứ đâu thể có một ca sĩ Phi Nhung hải ngoại rồi một ca sĩ Phi Nhung trong nước nào khác nữa. Nghệ sĩ Hoài Linh thì cũng chỉ có một người, đi đâu diễn cũng vậy thôi mà, phân biệt hải ngoại, không hải ngoại cũng đâu có khác gì.
. Xin cám ơn anh.
Một nghệ sĩ trọng nghề - giàu sức phấn đấu Nghệ sĩ Hoài Linh sinh năm 1969 tại tỉnh Khánh Hòa. Năm 1988, anh từng là diễn viên của Đoàn ca múa nhạc Ponaga của Khánh Hòa. Tại đây, anh từng đoạt huy chương một cuộc hội diễn ca nhạc với bài dân ca Phú Yên trách thân. Năm 1993, Hoài Linh cùng gia đình sang định cư ở Mỹ theo diện HO. Ở Mỹ, anh đi làm MC, tấu hài tại các đám cưới, quán bar và trở thành diễn viên tấu hài chuyên nghiệp khi cộng tác cùng diễn viên hài Vân Sơn, thu VCD nhiều tiểu phẩm hài cùng với Vân Sơn cho Trung tâm Sản xuất băng đĩa nhạc Vân Sơn. Từ đây tên tuổi Hoài Linh được biết đến nhiều hơn. Anh được mời xuất hiện trong nhiều đại nhạc hội và diễn cho Trung tâm Thúy Nga Paris ở hải ngoại. Theo con đường băng đĩa, tên tuổi Hoài Linh bay ngược về Việt Nam, trở nên quen thuộc với khán giả, được khán giả trong và ngoài nước ngày càng yêu thích với lối diễn hài dí dỏm, thông minh, gần gũi đời thường, gần gũi người lao động, tầng lớp bình dân. Năm 1997, Hoài Linh về nước và xuất hiện một cách chính thức, danh chính ngôn thuận trong giới văn nghệ - hoạt động biểu diễn Việt Nam trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam” của báo Thanh Niên. Từ đây hoạt động biểu diễn của Hoài Linh trong nước thuận lợi, thời gian anh diễn trong nước là chính yếu hơn hẳn ở nước ngoài. Hoài Linh luôn nỗ lực phấn đấu trong nghề nghiệp để xóa đi thành kiến anh là một diễn viên tay ngang không qua trường lớp. Anh thọ giáo NSND-đạo diễn Trần Ngọc Giàu để học hỏi các kỹ năng, khái niệm học thuật sân khấu chuyên nghiệp. Anh tham gia nhiều vở kịch lớn do đạo diễn Trần Ngọc Giàu dàn dựng như vai Trạng Quỳnh trong vở kịch Trạng chết chúa cũng băng hà hoặc vào vai ông Tư của nghệ sĩ Thành Lộc trong vở Dạ cổ hoài lang ở Sân khấu Nhỏ 5B… Những vai diễn trong kịch dài của Hoài Linh ở Kịch Nụ Cười Mới cũng đi vào lòng khán giả như ông Sáu Bảnh trong vở Ra Giêng anh cưới em, vai ông già bị con bỏ rơi trong Ông bà vú. Nghệ sĩ Hoài Linh đã nhận được ba huy chương vàng trong các kỳ liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc với các vai diễn nổi bật của mình, đủ số huy chương để được đề nghị xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Ngoài ra, Hoài Linh còn nhận được giải Cù Nèo Vàng của báo Tuổi Trẻ, giải Mai vàng của báo Người Lao Động. Với đồng nghiệp, Hoài Linh được tiếng là người điềm đạm, tình cảm, không sân si, không tranh giành, không chèn ép đàn em mà có nhiều nghĩa cử nâng đỡ đàn em. Với tổ nghiệp, Hoài Linh một lòng thành kính, anh đang dốc sức làm việc để tích tụ tiền bạc hoàn thành ngôi nhà thờ tổ sân khấu khang trang ở Bình Dương. Anh cũng đang cố gắng thành lập và duy trì CLB Nghệ sĩ hài TP.HCM để tương thân tương ái cùng các đồng nghiệp hài với mục đích giúp nhau phát triển. Quy trình xét tặng danh hiệu Việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú được thực hiện qua ba cấp hội đồng, gồm hội đồng cấp cơ sở tại đơn vị nghệ thuật cơ sở do người đứng đầu đơn vị thành lập; hội đồng cấp bộ tại Bộ VH-TT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do các bộ trưởng thành lập; và hội đồng cấp nhà nước thực hiện qua hai bước: Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước do bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thành lập theo từng lĩnh vực nghệ thuật và hội đồng cấp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. |