Theo gia đình, NSND Huỳnh Nga trước đó đã trở bệnh nặng, gia đình đã đưa ông vào bệnh viện và được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vào lúc 8 giờ 5 phút sáng nay (21-2), ông đã không qua khỏi, hưởng thọ 89 tuổi.
NSND Huỳnh Nga tên Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15-11-1932, tại Long An. Ông theo cách mạng từ năm 13 tuổi, làm giao liên. 15 tuổi ông được chọn vào Ban Tuyên truyền khu 8.
Ông tập kết ra Bắc năm 1954, sau đó, do có năng khiếu, ông được phân về Đoàn Cải lương Nam bộ. Năm 1968 ông được cử sang Rumania học đạo diễn.
NSND Huỳnh Nga và vợ nhận quà tặng khi có nhà mới. Ảnh: HÒA BÌNH
Sau 1975 đạo diễn Huỳnh Nga về Nam, dàn dựng cho nhiều đoàn cải lương và đoàn kịch danh tiếng. Ông dàn dựng hàng trăm vở kịch, cải lương tạo dựng được tên và được xếp vào hàng nghệ sĩ bậc thầy.
Ông dựng vở Tanhia cho Đoàn Kịch nói Kim Cương; dựng các vở cải lương Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Tiếng sáo đêm trăng, Hoa độc trong vườn, Tấm Cám… Trong đó, vở diễn Đời cô Lựu của ông dàn dựng vào năm 1984 để các nghệ sĩ gạo cội như: Thành Được, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bảo Quốc… tham gia đã trở thành vở diễn kinh điển của cải lương Việt Nam.
Vở diễn Đời cô Lựu đóng đinh tên tuổi của ông và nhiều vai diễn để đời của các nghệ sĩ.
Đạo diễn NSND Huỳnh Nga và vợ (giữa) nhận quà từ Thành ủy TP.HCM và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM trong đợt được tặng nhà vào năm 2017. Ảnh: HÒA BÌNH
Với tài năng và sự cống hiến đó, ông đạo diễn Huỳnh Nga đã được phong tặng danh hiệu NSND và được Thành ủy TP.HCM quan tâm đến gia cảnh khó khăn, được tặng một căn hộ chung cư vào năm 2017.
Tiếc rằng đến nay, khi ông đã qua đời, thủ tục nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư đó vẫn chưa hoàn tất dù ông đã dọn vào ở từ nhiều năm qua.
Khi nghe tin ông mất, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự kính trọng và thương tiếc về một đạo diễn tài năng bậc thầy của cải lương.