Đào Tấn - ông quan kịch tác gia (kỳ 4): Thơm tiếng một đời quan

Bàn thờ Đào Tấn tại nhà ông Đào Tụng Phi ở Vinh Thạnh - Ảnh: H.V.M.

Ông quan Đào Tấn đâu chỉ để lại sự nghiệp tuồng mà còn đức độ của người làm quan mẫu mực...

Nhân ái và cương nghị

Nhiều năm trôi qua, ông Đào Tụng Phi vẫn còn nhớ lời ông nội của ông là bố chánh hồi hưu Đào Nhữ Tuyên, kể về chuyện Đào Tấn cứu hơn 400 người Hoa tại Hải Nam trên chiếc thuyền bị nạn ở gần vùng biển Thừa Thiên.

“Đó là phước đức lớn mà ông cố tui lưu lại. Cụ dặn ông nội tui rằng làm quan là phải thương dân, thương người, phải có lòng nhân ái...” - ông Phi kể. Và chuyện cứu nạn thuyền Hải Nam này đã được ông Đào Nhữ Tuyên viết lại.

Chuyện xảy ra vào năm 1882, khi Đào Tấn đang làm phủ doãn Thừa Thiên. Hay tin tàu của số thương nhân người Hoa này gặp nạn, Đào Tấn đã cấp tốc cho ứng cứu và giúp họ quay về lại Hải Nam an toàn.

Hàm ơn cứu mạng, khi trở về được Hải Nam những người này đã gửi tặng Đào Tấn bức trướng ghi bốn chữ “Công hoằng vĩnh viễn”.

Chưa đủ, họ còn chung nhau lập sanh từ (đền thờ thờ một người còn sống) Đào Tấn ở Hải Nam, khắc vào đó hai câu liễn Tứ bách dư nhơn tồn hoạt mạng/Vạn thiên lý ngoại kiến sanh từ (Hơn bốn trăm người còn giữ được mạng sống/Ngoài ngàn dặm xin lập sanh từ).

Một câu chuyện khác của Đào Tấn cũng khiến người nghe sướng lòng là chuyện ông cho chém bồi Ba - tên đầy tớ gian ác của viên khâm sứ Trung kỳ của Pháp ở Huế.

Chuyện quan phủ doãn Thừa Thiên Đào Tấn “xử nóng” và cho “chém nóng” tên bồi cậy thế hiếp người này nay nhiều người ở Bình Định vẫn biết qua truyền khẩu, qua bài viết của nhà thơ Quách Tấn:

Khi được biết tên bồi của “ông quan lớn” khâm sứ Pháp cậy thế hiếp đáp, cưỡng ép dân lành, Đào Tấn đã lệnh cho người theo dõi bắt quả tang y đang phạm tội để giải về phủ đường. Một hôm ông cho bắt giam vợ bồi Ba vì tội ỷ thế đánh người ở chợ Đông Ba.

Hay tin, tên bồi hống hách này xách batoong đến phủ đường hò hét, Đào Tấn cho tống giam y ngay. Được cấp báo, viên khâm sứ liền đến phủ đường can thiệp.

Nể lời phân giải của viên khâm sứ, ông cho lính giải y ra để cho về. Nhưng vừa chạm mặt chủ, cho rằng mình có thế dựa, thói ỷ thị của bồi Ba trỗi dậy, y chỉ vào mặt quan phủ doãn Đào Tấn mắng chửi.

Tên bồi đắc thế không ngờ y đang tận số, Đào Tấn bỗng vỗ bàn và thét lính bắt y đem chém. Không ngờ ông quan văn vốn hòa nhã lại hạ lệnh đanh thép, sau phút điếng hồn, viên khâm sứ xin Đào Tấn vị tình mình mà tha chết cho tên bồi. Nhưng một ông quan Đào Tấn cương nghị đời nào lại để thân tình lấn công lý.

Sau lời buộc tội tên bồi, Đào Tấn lại trách cứ viên khâm sứ đã vô tình dung túng cho tên đầy tớ khiến y lộng hành, bạo ngược.

Và lưỡi gươm trừ họa bồi Tây gian ác đã lấy đầu bồi Ba ngay sau câu nói đanh thép của Đào Tấn với viên khâm sứ: “Nếu quan lớn muốn tha hắn thì kiếm đây, ấn đây, tôi xin giao lại cho quan lớn!”.

Biết không lay chuyển được ông quan cương nghị, viên khâm sứ chỉ còn biết quay về với lời “tống tiễn” tên đầy tớ trung thành: “Mày làm bậy thì mày chịu, tao không làm sao được!”.

Đình làng Vinh Thạnh - nơi thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn và tổ chức các sinh hoạt, lễ hội dân gian của làng Vinh Thạnh - Ảnh: H.V.M.

Với các phong trào yêu nước

“Chúng ta có thể yên tâm đọc những đoạn thảm hồi thương của Đào Tấn ở trong từ (một thể loại thơ mang đậm nhạc điệu) bởi khi biến đau thương thành hành động, dù chưa phải là hành động trực tiếp cải tạo thế giới mà chỉ mới là hành động loại hai, viết tuồng để tìm cách chữa bệnh cho đời thì Đào Tấn đã phấn đấu về phía tích cực...” - nhà thơ Xuân Diệu đã nói về Đào Tấn như thế khi nhấn mạnh đến tài viết từ khúc lỗi lạc của ông.

Và rõ là khó thấy hết tấm lòng của Đào Tấn với nước non, dân tộc trong bối cảnh mà với mình ông không thể làm gì hơn là dùng văn chương để lay động lòng người, xướng xuất một hình thái văn nghệ đấu tranh nếu không có những “chứng từ” được lưu lại từ một số nhà cách mạng, chí sĩ, văn nhân đương thời.

Chí sĩ Phan Bội Châu kể trong Tự phán về việc ông đã được Đào Tấn giúp thoát khỏi sự bắt bớ của thực dân Pháp trong bước đầu cuộc đời cách mạng của mình:

“Mùa xuân năm Tân Sửu (1901), tôi cùng vài chục người bạn như Phan Bá Ngọc (con ông Phan Đình Phùng ở La Sơn), ông bạn Vương Thúc Quý và bọn dư đảng ở Nghi Xuân như Trần Hải, thảo luận định đến ngày kỷ niệm cộng hòa của Pháp sẽ dùng giáo mác để cướp vũ khí của giặc rồi đánh tỉnh thành Nghệ An.

Ngày hôm ấy (14-7-1901) đã họp ở trong thành nhưng cánh nội ứng sai hẹn, thành ra việc phải đình chỉ, vì thế mà cơ mưu bị tiết lộ, tên Nguyễn Điềm là mật thám của Pháp dò biết, mật báo với công sứ, may lúc bấy giờ tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn cho công việc của tôi làm là phải nên hết sức che chở, vì thế tôi không bị bắt. Từ đó tôi chuyên chú ý về việc ngầm tìm nội ứng”.

Chưa hết, những ngày tháng cuối ở ghế tổng đốc An Tịnh, Đào Tấn cũng tiếp tục chở che cho nhà chí sĩ họ Phan trước đôi mắt cú vọ của mật thám thực dân.

Vẫn Phan Bội Châu ghi lại, gần cuối năm 1902, nhân lúc thực dân Pháp mở hội khánh thành cầu sắt bắc qua sông Nhị Hà, bằng tấm giấy thông hành đóng ấn triện của quan tổng đốc Đào Tấn, ông được chu du khắp Bắc kỳ để tìm những đồng nhân khởi nghĩa trước cũng như kết giao người mới.

Càng cảm kích tấm lòng của ông quan tổng đốc Đào Tấn dành cho những đấng anh hùng vị quốc vong thân mà cụ thể là những sĩ phu dấy binh chống giặc Pháp.

Lời điếu đối của Đào Tấn dành cho thủ lĩnh Cần vương Phan Đình Phùng là tấm lòng của ông đối với nước non:

“Anh hùng thành bại chớ bàn, lòng trung ấy, nghĩa lớn kia, thề chung thủy trọn tình cùng chiến hữu. Anh linh Sơn Mục, đạo sách đèn nên phải trọng cương thường. Khá hận đấy! Ngôi nhà nghiêng đổ, một cây biết chống làm sao.

Cung lạnh khói tàn, tiếng oán dậy rừng ai chẳng xót! Huống đương lúc rồng bay mây tối, lại thêm tráo trở việc người! Thương thay La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm trơ chiến địa!

“Trời đất cổ kim còn mãi, núi ngất cao, sông chảy xiết, vũ trụ này là của đấng trượng phu. Gió tuyết Lam Hồng, ngạo gió rét cũng hao mòn tùng bách. Biết sao đây! Sóng cả dâng trào, cột đá giữa dòng khó vững.

Sao dời vật đổi, chạnh tình vật cũ nghĩ càng đau! Lại gặp cơn gió thốc nhạn lìa, trách bấy lòng trời chẳng giúp! Rõ thật Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác sáng trăng sao!”. (Mịch Quang dịch)

Với tấm lòng như thế, chuyện Đào Tấn bị Nguyễn Thân - tên Việt gian cùng với quan quân người Pháp và Nam triều tấn công chiến khu nghĩa quân Hương Khê của Phan Đình Phùng - thù oán là điều dễ hiểu.

Và càng hiểu hơn ý tình mà Đào Tấn gửi gắm qua các nhân vật trong tuồng bằng những cung bậc bi tráng: Trung hiếu khó vẹn toàn, khá lấy tôi trung làm con thảo/Tử sinh đừng tính toán, nên hay ngày chết tức ngày sinh...

____________

Kỳ tới: Từ di sản Đào Tấn...

Theo HUỲNH VĂN MỸ (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới