Nguyên tác vở tuồng Trầm hương các của Đào Tấn có bút tích của bà Chi Tiên - thứ nữ cụ Đào Tấn - duyệt định (bản gốc hiện lưu tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định) - Ảnh: H.V.M. |
Vậy mà Đào Tấn nhiều lúc vừa lo việc quan lại vừa sáng tác tuồng, chỉnh sửa tuồng cũ, đã để lại một di sản tuồng đồ sộ. Quả như lời nhiều người nói: “Với Đào Tấn làm quan là xác, viết tuồng mới là hồn phách của ông”...
Phụng mệnh vua sáng tác
Xem tấm biển viết chữ Hương thảo thất (nhà cỏ thơm) mà Đào Tấn treo trước mái nhà tranh nơi quê nhà Vinh Thạnh khi ông về hưu (1904), rồi đọc đây đó những câu thơ ông viết: Tràng An từ giã ra về/Trong mơ dắt nhạc thái hòa cùng đi, hay: Cười mình nếu sống đầy trăm tuổi/Chỉ thích đề ngâm khắp dưới trời mới thấy chuyện làm quan không phải là điều chí cốt của Đào Tấn.
Phải đem văn chương, mà chủ yếu là tuồng tích, là nghệ thuật hát bội để góp phần “phù thế giáo”, di dưỡng tâm khí con người mới chính là lý tưởng, là sở nguyện của Đào Tấn.
“Đào Tấn quả là có duyên với kịch nghệ hát bội” - nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch nhận xét.
Cái duyên ấy, theo ông Địch, là khi được bổ dụng (1871 - bốn năm sau khi đậu cử nhân) Đào Tấn đã gặp được vua Tự Đức - vị vua nổi tiếng hay chữ, giỏi thơ văn lại yêu thích tuồng - chọn làm chức hiệu thư (biên chép, sửa chữa thư tịch) ở ngay tại triều.
Thấy văn tài của Đào Tấn, chỉ một năm sau nhà vua đã giao cho ông viết ba vở tuồng Đảng khấu, Bình địch và Tam bảo thái giám thủ bửu.
Được viết theo chỉ dụ của nhà vua để diễn ở cung đình, những vở tuồng này phần nào thể hiện mong muốn của nhà vua là dẹp được quân Pháp (Bình địch), trừ xong đám giặc khách cùng các cuộc dấy loạn của nông dân (Đảng khấu) và mở được mối giao hảo với bên ngoài để có thế lực đối địch với người Pháp mà vẫn giữ được khí chất của riêng nước mình (Thủ bửu).
Soạn được ba vở tuồng này để công diễn trên sân khấu cung đình Duyệt Thị Đường - vốn có từ thời vua Minh Mạng - sao cho vừa ý ông vua giỏi văn chương, sành nghệ thuật hát bội như Tự Đức quả là không dễ.
Thấy tài năng viết tuồng xuất sắc của Đào Tấn, sau hai năm để ông rời kinh nhậm chức tri phủ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), năm 1876 “vị vua mê tuồng” Tự Đức lại triệu ông về nội các để... tiếp tục viết tuồng.
Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch cho rằng điều đáng nói trong lần phụng chỉ sáng tác này là Đào Tấn đã không dựa theo tích truyện có trước mà tự mình tạo ra cốt truyện để viết tuồng.
Cũng như ba vở tuồng ông phụng chỉ sáng tác lần đầu, Tứ quốc lai vương (sứ thần bốn nước đến triều kiến nhà vua), Quần phương hiến thụy (đám vật quý đưa điềm tốt) mỗi tuồng cũng đều có ba hồi, mỗi hồi diễn trọn đêm từ đầu hôm đến gần sáng.
Còn bộ tuồng vĩ đại Vạn bửu trình tường lại dài đến 108 hồi, trong đó Đào Tấn soạn 68 hồi, từ hồi thứ 41 đến hồi thứ 108! “Soạn ba bộ tuồng này Đào Tấn đã mất hết bốn năm.
Nếu ở Quần phương hiến thụy Đào Tấn dùng tên các loài hoa thì ở Vạn bửu trình tường ông lại dùng tên các vị thuốc bắc để đặt tên cho các nhân vật, trong đó có sự phù hợp về tính cách của nhân vật với loài hoa, vị thuốc mà nhân vật đó mang tên. Tài vậy đó!” - ông Địch dẫn giải.
Mộ Đào Tấn ở sườn núi Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), cách làng Vinh Thạnh chừng hai cây số về hướng đông - Ảnh: H.V.M. |
Vừa việc quan, vừa viết tuồng
Viết tuồng và viết tuồng. Với Đào Tấn viết tuồng là cái nghiệp ông tự thân nhận lấy với tất cả đam mê, yêu thích.
Dường như để bù lấp cho khoảng thời gian hai năm làm quan đầu phủ Thừa Thiên cùng những năm từ quan về quê ở ẩn vì triều chính rối ren (sau khi vua Tự Đức mất, 1883), khi được bổ làm tổng đốc An Tịnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) - 1889, nhà viết tuồng Đào Tấn đã làm việc song hành cùng với ông quan tổng đốc Đào Tấn để lấy lại thời gian đã mất với tuồng!
Vùng đất mới trấn nhậm vốn xa kinh thành, dân tình khó khổ, rối ren, phải lo chấn chỉnh nhiều việc, công vụ bận rộn nhưng Đào Tấn vẫn cố dành thời gian cho tuồng.
Trước hết, ông bắt tay chỉnh lý Sơn hậu - một vở tuồng được coi là di sản quý của hát bội nước ta, được tôn gọi là “tuồng thầy”, là loại tuồng kinh điển mà không một nghệ sĩ hát bội nào không trải qua các vai diễn từ tuồng này mà thành tài.
Tuy vậy do lưu truyền lâu đời, nhiều đoạn của Sơn hậu bị lệch nên Đào Tấn đã phải chỉnh sửa, thậm chí viết lại.
Vẫn chưa hết nỗi canh cánh về những pho “tuồng thầy” đây đó còn chỗ sai lệch, tuềnh toàng do “tam sao thất bổn”, Đào Tấn lại tiếp tục chỉnh sửa các pho tuồng Tam nữ đồ vương, Đào Phi Phụng.
Với Tam nữ đồ vương, Đào Tấn đã chỉnh sửa mạnh tay hồi hai của pho tuồng có ba hồi này thành vở tuồng mới với tên Khuê các anh hùng.
Với pho tuồng bốn hồi Đào Phi Phụng, ngòi bút chỉnh lý của Đào Tấn đậm nét nhất ở hồi 4, trở nên là “vở diễn ăn khách của nhiều thế hệ hát bội ở Bình Định bởi chuyện tình éo le đến cùng cực của hai nhân vật Đào Phi Phụng - Liễu Nguyệt Tâm”, theo lời nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
Điểm lại niên biểu sáng tác (và chỉnh lý) tuồng của Đào Tấn, điều nổi bật từ ông quan viết tuồng này là “duyên nợ tuồng” của tác giả với nơi tại nhiệm của mình. Kinh đô Huế và Nghệ An chính là hai nơi mà Đào Tấn đã sáng tác toàn bộ các vở tuồng của mình (trừ Tân Dã đồn).
Nhẹ bớt việc quan nhờ đã quen thuộc dân tình, lại không còn phải viết tuồng theo mệnh vua, việc chỉnh lý một số “tuồng thầy” cũng đã xong, từ đây cây bút tuồng trên tay ông quan tổng đốc An Tịnh bắt đầu cho những sáng tạo mới của mình.
Trừ Diễn võ đình - vở tuồng hai hồi được Đào Tấn viết vào những năm cuối khi làm tổng đốc An Tịnh lần nhất (1889-1893), bốn vở tuồng Cổ thành, Trầm hương các, Hộ sinh đàn (mỗi tuồng đều một hồi), Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan (ba hồi) đều được Đào Tấn viết trong thời gian ông làm tổng đốc An Tịnh lần thứ hai (1898-1902).
Sơ lược niên biểu làm quan của Đào Tấn 1867 đỗ cử nhân, năm 1871 được bổ làm hiệu thư tại triều. 1874 làm tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình). 1876 làm thừa chỉ tại nội các (triều đình). 1882 làm phủ doãn phủ Thừa Thiên. 1883 từ quan về quê ở ẩn ở chùa Ông Núi trên núi Linh Phong. 1887 được triệu dụng lại, làm phủ doãn Thừa Thiên, rồi làm thị lang bộ Hộ, làm giảng quan (dạy vua Đồng Khánh học). 1888 làm tham tri bộ Hộ. 1889-1893 làm tổng đốc An Tịnh. 1894 làm thượng thư bộ Công. 1896 làm thượng thư bộ Binh. 1897 làm thượng thư bộ Hình. 1898 làm tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Mùa thu 1898 làm tổng đốc An Tịnh lần thứ hai. 1902 thượng thư bộ Công. 1904 rời chức thượng thư bộ Công về hưu tại quê nhà. Ông mất đầu thu năm 1907, an táng tại sườn núi Huỳnh Mai - dãy núi có nhiều cây mai vàng tự mọc. ông từng để lại thơ khi đến núi này chọn nơi yên giấc:... Núi Mai rồi giữ xương mai nhé/ Ước được hoa mai hóa mộng hồn. |
__________
Kỳ tới: Mở trường dạy hát bội