Khu vườn cũ của Đào Tấn ở làng Vinh Thạnh. Ngôi nhà ngói do ông Đào Tụng Phi - cháu gọi Đào Tấn là ông cố - xây để làm tự đường. Ngôi nhà được Đào Tấn gọi “Hương thảo thất” nằm ở lùm cây bên phải. Học bộ đình Vinh Thạnh nằm ở khu đất có bụi tre, đám ruộng kề bên chính là sân khấu nước của Đào Tấn - Ảnh: H.V.M. |
Thật đáng cảm kích cách làm mới mẻ, sáng tạo của một vị đại quan đã dốc hết những gì mình có được để chấn hưng nghệ thuật sân khấu truyền thống này...
Lập học bộ đình
Với lớp người lớn tuổi ở làng Vinh Thạnh - quê nhà của Đào Tấn, cái tên “học bộ đình” quen thuộc với họ tựa như là lý môn (cổng làng) của họ, dẫu lý môn nay vẫn còn nhưng học bộ đình đã mất từ lâu. “Học bộ đình là trường dạy hát bội của cụ nằm ở khu đất này đây.
Còn sân khấu nước do cụ lập ra mỗi khi diễn tuồng có cảnh ở dưới nước chính là đám ruộng lớn sát bên học bộ đình này...”, một ông lão ở làng Vinh Thạnh chỉ vào gò đất và đám ruộng kề bên khu vườn nhà cũ của Đào Tấn giải thích.
Học bộ đình có nghĩa là trường dạy bước vì các điệu bộ diễn xuất trong hát bội phần chính là ở bước chân, được Đào Tấn lập nên trước hết ở Nghệ An, nơi đặt dinh sở tổng đốc của ông.
Với uy thế có được của một ông quan ở hàng nhất phẩm, từng là người đứng đầu bộ tại triều, sau khi nhậm chức tổng đốc An Tịnh lần thứ hai (1898-1902), Đào Tấn đã mạnh dạn bắt tay lập học bộ đình Nghệ An.
“Ông nội tui là bố chánh Đào Nhữ Tuyên kể để có người lập học bộ đình Nghệ An, cụ (Đào Tấn) tuyển những người rành hát bội ở Bình Định ra với cụ. Cụ thật là thỏa bụng khi mời được mấy vị như các ông bầu Thường, Mười Hiệp là những người đã giỏi về hát bội khi cụ còn lo chuyện sách đèn...” - ông Đào Tụng Phi, cháu gọi Đào Tấn là ông cố, kể.
Sự quyền biến của Đào Tấn, theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, là đã vận dụng biên chế của đội quân binh phục vụ ở dinh tổng đốc cho việc lập học bộ đình.
Nghĩa là ông đưa các ông bầu, các kép hát bội được ông tuyển từ Bình Định và (một ít) ở Nghệ An vào làm chân lính ở dinh tổng đốc để có lương ăn mà học hát diễn, nâng cao tài nghệ.
Những “nghệ sĩ nhà binh” trong phiên chế này nhờ vậy mà qua thâm niên quân vụ được thăng chức quản, cai, đội, thăng hàm cửu phẩm, bát phẩm võ giai, nhờ vậy lương bổng của họ khá lên, tài năng diễn xuất của họ ngày càng tinh tiến.
Quả là lý tưởng với ông quan viết tuồng Đào Tấn khi được đạo diễn, tập luyện cho các nghệ sĩ từ “gánh hát học bộ đình” do mình lập ra diễn những vở tuồng do chính mình sáng tác, chỉnh lý tại một nhà hát cũng do chính mình dựng nên bên dinh tổng đốc: rạp Như Thị Quan.
Và thật thỏa lòng người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh lúc bấy giờ khi được xem những vở tuồng như Cổ thành, Đào Phi Phụng, Trầm hương các, Diễn võ đình, Hộ sinh đàn, Tân Dã đồn... do chính ông quan tổng đốc của mình soạn nên và cho diễn xuất!
Luôn coi trọng việc đào tạo diễn viên, ngay sau khi nghỉ hưu (1904) Đào Tấn lại cũng tự thân lập học bộ đình Vinh Thạnh ở quê nhà mình. Đây cũng chính là “gánh hát bội” chuyên nghiệp thứ hai (sau học bộ đình Nghệ An) được chính nhà soạn tuồng - nhà đạo diễn Đào Tấn xây dựng nên.
Có trong tay danh sách các nghệ sĩ được đào tạo tại các học bộ đình Nghệ An, Vinh Thạnh, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng học bộ đình chính là nơi thực nghiệm nghệ thuật: thông qua thực nghiệm mà đào tạo nghệ sĩ, rồi lấy nghệ sĩ được đào tạo mà tiến hành thực nghiệm.
Hầu hết nghệ sĩ trong các học bộ đình của Đào Tấn thời đó vốn đã là những người có trình độ nghệ thuật cao, nhưng vốn kiến thức chắc còn hạn chế, phần nhiều được học theo lối truyền nghề.
“Những ông bầu, anh kép sau khi đến với học bộ đình của Đào Tấn đều được bổ túc về kiến thức lịch sử, văn học, nghệ thuật. Nhờ vậy sau khi được Đào Tấn đào tạo họ trở thành những nghệ sĩ tài năng, toàn diện. Học trò của họ sau này lại trở thành những ông thầy dạy hát bội có tiếng tăm, duy trì được việc đào tạo nghệ sĩ hát bội mãi đến nay...” - ông Liễn nhận định.
Nghệ sĩ nhân dân Trương Đình Bôi với điệu bộ của một kép câu. Ông Bôi là học trò khóa đầu tiên của nghệ sĩ Mười Thân mở tại Nghệ An khi thầy - trò từ Bình Định cùng tập kết ra Bắc. Mười Thân là một trong những học trò của Đào Tấn ở học bộ đình Vinh Thạnh. Con gái ông Bôi nay là nghệ sĩ, có chồng là nghệ sĩ nhân dân, cả hai cùng ở Nhà hát tuồng Đào Tấn - Ảnh: H.V.M. |
Làm kinh tế nghệ thuật
Đây là việc làm nổi bật của Đào Tấn ở học bộ đình Vinh Thạnh. Làm nghệ thuật phải có kinh tế. Nhưng tiền của của một ông quan thanh liêm khi đã về vườn đâu dễ có để nuôi một đội ngũ “học viên nghệ sĩ” non vài chục người ở học bộ đình nơi quê nhà.
Thêm nữa, về hưu ông còn hỗ trợ phần nào tiền gạo cho những người bạn nơi quê nhà bao năm đi theo ông vừa làm lính vừa là bạn nghệ sĩ của ông ở dinh tổng đốc - học bộ đình xứ Nghệ khi về vườn không có bổng lộc gì.
Vậy là ông phải bán lần bán hồi bốn mẫu “lộc điền” được coi là ân huệ cuối cùng của triều đình cấp cho ông - một thượng thư hồi hưu - sau khi đã bị khổ cực ê chề vì những trò hãm hại đê hèn của viên quan đầu triều Nguyễn Thân.
Bán hết lộc điền, với khoản vốn nhỏ, Đào Tấn nghĩ kế rủ những ông quan hưu cùng quê hùn vốn góp công khai ruộng hoang vùng đầm mặn ở làng Huỳnh Giản (nay thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) thành đồng ruộng quy canh - đồng ruộng của những ông quan đi cày.
Thật cảm động, số thóc lúa thu được nơi phần ruộng của mình ở cánh đồng lấn mặn này là nguồn lương thực nuôi sống cả đoàn học viên - nghệ sĩ ở học bộ đình Vinh Thạnh và cả gia đình của “ông quan viết tuồng” từng mơ bao giờ mua ruộng để về hưu vì mình vốn là con nhà nghèo, cha mẹ phải cày rẻ ruộng người!
Vẫn chưa hết. Để có nguồn kinh tế vững chắc cho hoạt động nghệ thuật, Đào Tấn còn cho khai hoang hơn hai mẫu ruộng ở Nhơn Hòa (huyện An Nhơn).
“Số ruộng này cốt yếu là dành cho số học viên con nhà nghèo cày cấy để vừa giúp họ có cái ăn học, vừa giúp gia đình họ. Cụ muốn người học hát phải giỏi nghề nhưng cũng phải giúp được phần nào kinh tế cho gia đình. Có như vậy nghề hát mới vững chắc được...” - ông Đào Tụng Phi kể.
Thật lý thú khi nghĩ đến không khí sôi nổi của học bộ đình Vinh Thạnh dưới sự chủ súy của “ông bầu lớn” Đào Tấn ngày ấy. Không nặng lo cái ăn để học hỏi, luyện tập, những học viên đêm học diễn, ngày cùng nhau ra cánh đồng cấy cày gặt hái.
Không còn quan cách, giữa Đào Tấn với người học hát là tình thầy trò, tình đồng nghiệp - hát bội đã sớm được Đào Tấn mạnh dạn gọi là nghề khi ông xưng tụng thẳng rằng thầy dạy chữ Nguyễn Diêu cũng là vị nghiệp sư - thầy dạy nghề hát bội của mình.
Thật ấm êm, học bộ đình Vinh Thạnh là mái lớp yêu thương mà nhà soạn tuồng - đạo diễn Đào Tấn trút vào đó niềm yêu thương chan chứa lúc cuối đời.
“Những học viên là con em nông dân trong vùng nhờ có Đào Tấn mà trở nên những nghệ sĩ giỏi. Cũng nhờ làm được điều này mà ông có thể mãn nguyện khi ra đi, giải được phần nào nỗi ưu tư canh cánh mà ông từng nói: Báo đáp cho đời dễ trọn chăng...” - ông Liễn dẫn giải.
________________
Kỳ tới: Thơm tiếng một đời quan