Tình huống đưa ra: Công ty thép A ký hợp đồng để mua của công ty kim khí B 1.000 tấn phôi thép với giá 7 triệu đồng/tấn. Tuy công ty thép A đã chuyển đủ tiền nhưng công ty kim khí B lại giao thiếu 10 tấn phôi thép. Từ đó công ty thép A khởi kiện, yêu cầu tòa buộc công ty kim khí B phải hoàn trả 70 triệu đồng cùng với tiền lãi của số tiền trên.
Như vậy, bản án tuyên chấp nhận yêu cầu của công ty thép A, buộc công ty kim khí B phải trả lại 70 triệu đồng cho công ty thép A là phù hợp với yêu cầu khởi kiện, trình tự tố tụng và quy định của Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, không ít đáp án lại nhầm lẫn khi đi xác định chuyện đúng sai khi chỉ dừng lại ở nội dung này.
Theo bản án, HĐXX áp dụng cách tính lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 với mức lãi suất cơ bản 9%/năm do Ngân hàng Nhà nước công bố để tính ra số tiền lãi do chậm trả của công ty kim khí B là hơn 3 triệu đồng. Đây mới là chìa khóa của tình huống kỳ 23 vì cách tính lãi suất này chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Những bạn đọc nào “trên thông pháp luật, dưới tường hướng dẫn” sẽ phát hiện ra cái sai này.
Do tranh chấp giữa công ty thép A và công ty kim khí B thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại nên việc tính lãi suất trong tình huống này không thể áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự. Theo đó, tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 đã quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả lãi trên số tiền chậm trả đótheo lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, do chậm hoàn trả số tiền 70 triệu đồng, công ty kim khí B phải chịu lãi suất theo “lãi suất quá hạn trên thị trường tại thời điểm thanh toán”.
Thế nhưng rà soát các văn bản hướng dẫn, À Ra Thế không tìm thấy cách tính “lãi suất quá hạn trên thị trường tại thời điểm thanh toán” được quy định cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử đã xác định “lãi suất quá hạn trên thị trường tại thời điểm thanh toán” là lãi suất nợ quá hạn trung bình của ba ngân hàng thương mại chính trên địa bàn xảy ra tranh chấp như Vietcombank, Agribank… Do đó để tính lãi suất đối với số tiền công ty kim khí B phải trả cho công ty thép A, tòa án phải lấy mức trung bình cộng lãi suất nợ quá hạn của ba ngân hàng thương mại chính trên địa bàn chứ không phải là mức lãi suất cơ bản 9%/năm do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 23 là: Bản án sơ thẩm đã sai trong cách tính lãi suất.
À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật” xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.
Con số may mắn kỳ 23 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư 4-1 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất. Chúng ta hãy cùng nhau chờ xem ngôi vị đầu bảng kỳ này sẽ thuộc về địa phương nào nhé!