Đập phá tường rào trên đất đang tranh chấp có bị tội?

(PLO)- Theo luật sư, hành vi đập phá tường rào cũng như các tài sản trên đất đang tranh chấp có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, PLO nhận được phản ánh của một bạn đọc (A). Theo đó, A đang tranh chấp với hàng xóm về phần đất giữa hai nhà. Trên phần đất đang tranh chấp có một bức tường rào và một số cây trồng của A. Tuy nhiên, khi tòa đang trong quá trình thụ lý giải quyết thì bất ngờ bên kia đã đập phá tường rào cùng một số cây trồng trên đất.

đập phá tường rào
Hình minh hoạ

Vậy hành vi đập phá bức tường rào và một số cây trồng trên đất đang tranh chấp có vi phạm pháp luật hay không và sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề trên, theo Luật sư Lê Văn Lào (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương), phần đất đang tranh chấp có tài sản trên đất là bức tường rào và một số cây trồng, nếu một trong các bên đập phá những tài sản này thì đây là hành vi hủy hoại tài sản.

Ở mức độ nhẹ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 15 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ở mức độ nặng, nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Cạnh đó, tùy vào giá trị tài sản bị hủy hoại mà có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.

Lưu ý là ngay cả khi đất đang tranh chấp chưa xác định thuộc về ai nhưng một trong các bên tranh chấp hủy hoại tài sản trên đất thuộc sở hữu của bên còn lại thì vẫn phải xem xét xử lý hành vi hủy hoại tài sản. Đây là vấn đề này đã được TAND Tối cao hướng dẫn rất rõ tại Thông báo kết quả giải quyết trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử số 196/TANDTC- PC ngày 3-10-2023.

Theo đó, thông báo 196 nêu trường hợp các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất và đã xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên đất lấn chiếm. Sau đó, có một số đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên. Hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép của các đối tượng trên có cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 của BLHS không?

Trả lời, TAND Tối cao cho rằng khoản 1 Điều 178 của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ...”

Theo TAND Tối cao, các đối tượng xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc trái phép trên diện tích đất do Nhà nước quản lý là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó như thế nào và bằng biện pháp gì là thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Việc các đối tượng khác đến tiếp tục lấn chiếm trên những phần đất này và có hành vi đập phá nhà, công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trái phép nêu trên thì phạm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm