Đặt tên doanh nghiệp “Một Mình Tao” được không?

Ngày 1-6, Sở KH&ĐT TP.HCM tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) mới với tên gọi Công ty TNHH Một Mình Tao (được cho là “theo trend” xuất phát từ buổi livestream tối 25-5 của bà Nguyễn Phương Hằng).

Sở KH&ĐT cho biết đang xem xét hồ sơ của DN này. Tuy nhiên, sở cho biết xem xét những hồ sơ kiểu này rất mất thời gian vì phải đánh giá có vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc hay không.

Vậy việc đặt tên công ty như trên có khả năng được sở cấp phép hay không?

Hiểu sao về “Một Mình Tao”?

TS Bùi Thị Hằng Nga (Khoa luật kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết: Điều 41 Luật DN 2020 và các điều 18, 19 Nghị định 01/2021 cho phép người đăng ký DN có quyền tự do đặt và đăng ký tên cho DN của mình bao gồm cả tên tiếng Việt hoặc tên tiếng nước ngoài nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau: (1) Không được đăng ký tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký (và vẫn đang hoạt động)…; (2) Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị,... để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của DN...; (3) Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

TS Hằng Nga phân tích: Một trong những tiêu chí khi xem xét tên DN có vi phạm hay không (đang gây nhiều tranh cãi) là trường hợp tên DN có sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, mà thế nào là vi phạm những điều vừa nêu thì chưa có văn bản pháp luật nêu rõ.

“Hiện nay, pháp luật trao quyền xem xét, đánh giá tên DN có bị xem là phạm luật hay không cho Phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD) nên việc có cấp phép trong các trường hợp tranh cãi hay không phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan này” - TS Hằng Nga nói.

Theo đó, Phòng ĐKKD có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của DN. Trường hợp không đồng ý, DN có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 01/2021).

“Theo tôi, việc đặt tên Công ty TNHH Một Mình Tao sẽ khó được chấp nhận vì không đảm bảo tính lịch sự, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử kinh doanh” - TS Hằng Nga nhận định.

 

Khó được chấp nhận

Nhìn chung, pháp luật nước ta quy định các chuẩn mực đặt tên cho DN rất thông thoáng, ngoài những trường hợp bị cấm thì nhà đầu tư có thể tự do sáng tạo tên cho DN của mình.

Thành tố “Một Mình Tao” là tên riêng cần được xem xét có phạm luật hay không. Theo các từ điển tiếng Việt phổ thông, “Tao” có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là đại từ tự xưng khi giao tiếp với người khác, có thể mang ý nghĩa thân mật hoặc coi thường người khác.

Riêng từ “Tao” thì khó có thể cho rằng đây là từ ngữ vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, nguyên cả cụm “Một Mình Tao” sẽ mang ý nghĩa tiêu cực, thể hiện thái độ khinh thường người khác, vi phạm việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nên đặt tên có cụm từ này khó được chấp nhận.

ThS LÊ NHẬT BẢO, Khoa Luật Thương mại  - Trường ĐH Luật TP.HCM

Mất thời gian vì đặt tên doanh nghiệp kiểu này

Đại diện Phòng ĐKKD Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết hồ sơ đăng ký tên DN Công ty TNHH Một Mình Tao hiện đang được phòng nghiên cứu, xem xét, sau đó sẽ trả lời cho DN.

Theo vị đại diện này, phòng cũng đang gặp khó khăn trong việc giải quyết những hồ sơ đặt tên DN theo kiểu này. Mỗi ngày sở tiếp nhận 2.200-2.400 hồ sơ đăng ký. Theo quy định, trong vòng ba ngày sở phải có văn bản trả lời cho DN. Tuy nhiên, những hồ sơ đặt tên kiểu này rất mất thời gian để xem xét.

“Ngoài ra, trong quá trình xử lý hồ sơ, những tên DN đăng ký sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng muôn hình vạn trạng. Phòng phải giải quyết từng trường hợp một, thậm chí phải liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến những khái niệm trong đó.

DN được làm những gì pháp luật không cấm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền được phép kinh doanh nhưng có những trường hợp DN rất trớ trêu” - vị đại diện đơn vị này chia sẻ.

Theo đại diện Phòng ĐKKD, hiện nay có rất nhiều DN đăng ký thành lập ăn theo trào lưu trên mạng xã hội vì theo họ thì đặt tên như vậy sẽ làm ăn được.

Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền quyết định

Luật DN quy định DN không được đặt tên vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, đây là những phạm trù không thể định nghĩa chi tiết về từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức… Do đó, khi nhận thấy tên DN có dấu hiệu vi phạm quy định trên, cơ quan ĐKKD thường thuyết phục DN tự đổi tên khác. Việc thuyết phục thường kèm lý do đủ “nặng ký” để DN chấp nhận.

Ở nhiều nước khác cũng có quy định về việc đặt tên DN và cũng không thể liệt kê rõ ràng, toàn bộ những tên nào vi phạm, không được đặt. Để tranh luận về một cái tên là vi phạm thuần phong mỹ tục hay không thì rất mất thời gian, công sức của các bên và thường khó đi đến được tận cùng của vấn đề.

Vì vậy, hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đều trao cho cơ quan ĐKKD quyền quyết định. Cụ thể là Điều 37 Luật DN quy định: “Cơ quan ĐKKD có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của DN” và Điều 18 Nghị định 01/2021 nêu rõ “ý kiến của cơ quan ĐKKD là quyết định cuối cùng. DN không đồng ý có thể khởi kiện”.

Ông BÙI ANH TUẤNCục trưởng Cục Quản lý ĐKKD, Bộ KH&ĐT

QUỲNH NHƯ ghi      

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm