Vụ chuyển nhượng 32 ha đất ở xã Phước Kiển (Nhà Bè) từ Công ty Tân Thuận sang Công ty Quốc Cường Gia Lai và vụ chuyển giao hơn 4.800 m2 đất vàng ở số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cả hai có điểm chung là bên thụ nhận chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ hơn nhiều so với giá trị thực của diện tích đất mà họ được nhận.
Câu hỏi khá nhức nhối đặt ra ở đây: Vì đâu? Do đâu?
Khu đất vàng - cực kỳ đắc địa ở 8-12 Lê Duẩn (quận 1) đang được sử dụng làm bãi giữ xe. Ảnh HOÀNG GIANG.
Ở vụ Phước Kiển, đến giờ cũng không rõ, giá chuyển nhượng ban đầu theo hợp đồng 1.290.000 đồng/m2 hình thành từ đâu, dựa trên cơ sở nào? Dù sau đó, theo khuyến nghị của Sở TN&MT và yêu cầu của cơ quan quản lý, hai bên đã thỏa thuận nâng thêm giá nhưng vẫn còn xa mới tiệm cận với giá thị trường.
Còn ở khu đất 8-12 Lê Duẩn, giá “bán” (thông qua hình thức giao đất thu tiền sử dụng đất) phần diện tích hơn 3.400 m2 đất ở số 8 Lê Duẩn sở dĩ thấp đến vậy (621 tỉ, gồm cả giá trị công trình trên đất) là từ tham mưu, đề xuất của Sở Tài chính theo cơ chế “giá trị trường” (!?).
Phần định giá là như thế. Những hạn chế trong định giá như không sát giá thị trường, vô hình trung ưu ái cho doanh nghiệp đối tác, doanh nghiệp liên quan, góp phần dẫn đến thua thiệt, thất thoát ngân sách… có thể một phần do chủ quan, một phần do quy định lạc hậu, bất cập…
Nhưng mấu chốt vấn đề lại nằm ở chỗ khác.
Chỉ đến khi phát hiện ra sự thua thiệt, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách thông qua các vụ chuyển nhượng, chuyển giao nêu trên, cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý mới đưa ra một “lệnh bài” mang tính nguyên tắc: Phải đấu giá (lẽ ra phải) chứ không được bán chỉ định, giao theo kiểu bán chỉ định.
Ai cũng rõ định giá có thể 5 đồng, 7 đồng nhưng nếu đấu giá nghiêm túc, đàng hoàng, sòng phẳng (nhất là đối với những khu đất có vị trí đắc địa, có giá trị sinh lợi cao), giá có thể lên đến 50, 70 đồng hoặc hơn thế nữa. Đấu giá chính là phương thức hiệu quả nhằm bịt thất thoát, ngăn dòng lợi nhuận bất minh chảy vào túi các đơn vị, cá nhân liên quan, các nhóm lợi ích. Thế nhưng vì sao ở các thương vụ nêu trên đã không tiến hành đấu giá đất?
Cho đến giờ, lý do vì sao không đấu giá đất để tìm ra giá thích hợp trong vụ Phước Kiển, cũng như vì sao người có thẩm quyền trực tiếp quyết định phê duyệt trong vụ giao, cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn lại có thể quyết ở mức giá quá bèo, không tương xứng với giá thị trường - một mức giá không ai chấp nhận được, vẫn chưa có ai có câu trả lời thuyết phục!
Chủ đầu tư khu đất vàng ở đường Lê Duẩn là Công ty Lavenue, trong đó vốn nhà nước chỉ chiếm 20% cổ phần. Ảnh: HOÀNG GIANG
Riêng trong vụ giao, cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn thì cần có câu trả lời cụ thể từ người có trách nhiệm. Như Pháp Luật TP.HCMvà một số báo đã thông tin, qua nhiều bước triển khai thực hiện, nhiều công đoạn liên quan thì chủ trương “phải tổ chức đấu thầu dự án để chọn nhà đầu tư có uy tín và năng lực, đồng thời phải đấu giá quyền sử dụng đất…” - một chủ trương đúng đắn được Thường trực UBND TP thống nhất từ đầu đã bị “bẻ” theo hướng khác. Kết quả là thay vì thông qua đấu giá để khả dĩ thu về được cho ngân sách giá trị tương xứng của khu đất vàng ấy thì khu đất này đã nằm gọn trong tay Công ty Laveneu - một công ty cổ phần đầu tư mà phần vốn thuộc sở hữu nhà nước chỉ chiếm 20%, 80% còn lại thuộc hai công ty tư nhân, với giá quá hời.
Thanh tra TP đã từng kết luận việc UBND TP.HCM giao đất cho Công ty Laveneu để thực hiện dự án khách sạn cao cấp ở khu đất 8-12 Lê Duẫn, thực chất là bán chỉ định, thông qua văn bản phê duyệt do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài lúc đó ký, là sai quy định. Thanh tra Chính phủ trong kết luận mới đây cũng yêu cầu thu hồi khu đất để đưa ra bán đấu giá nhằm khắc phục sai phạm, ngăn chặn sự thất thoát cho ngân sách.
Qua những gì mà cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý đã làm rõ, dễ dàng nhận ra sự lỏng lẻo trong quy trình thực hiện. Một khoảng "không gian” quá rộng được dành cho việc hành xử của những người có thẩm quyền trong phê duyệt dự án cũng như phê duyệt việc chuyển nhượng, chuyển giao đất công, tài sản công…
Ở đó, có việc muốn đấu giá hay không thì tùy. (Người có thẩm quyền xử lý có thể viện dẫn nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tế để thoái thác yêu cầu đấu giá, để triển khai thực hiện khác với chủ trương ban đầu như trong vụ giao, cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn). Ở đó, cơ quan quản lý, người có thẩm quyền được dành cho quyền dẫn dắt, phê duyệt đưa vào “cuộc chơi” những gương mặt “lạ mà quen” để cùng chia chác nguồn lợi từ đất công, tài sản công.
Đó chính là những lỗ hổng làm “rò rỉ” nghiệm trọng nguồn lợi từ ngân sách. Mà điều này lại đã và đang diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.