Ngày 14-5, nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho hay cơ quan này đã có kết luận về thanh tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn (dự án của Công ty Lavenue Crown), quận 1, TP.HCM.
Thu lợi 200 tỉ đồng từ chuyển nhượng đất thuê
Qua thanh tra, TTCP kiến nghị thu hồi toàn bộ khu đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách. Đồng thời xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý (bồi thường thiệt hại) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue.
Theo TTCP, việc thu hồi đất có thuận lợi là thời điểm hiện tại dự án chưa triển khai xây dựng mà đang làm bãi giữ xe. Về kinh tế, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn có giá trên 400 triệu đồng/m2. Nếu đấu giá khu đất 8-12 Lê Duẩn (có vị trí ba mặt tiền, diện tích 4.896 m2) thì sẽ thu về trên 2.000 tỉ đồng.
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu nhà nước, ban đầu do bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc. Đó là Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí Thành phố, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện TP và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO). Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM là đơn vị được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này.
Năm 2010, bốn công ty thuộc Bộ Công Thương (sau này là cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư Lavenue) đã chuyển nhượng khu đất cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido). Sau vụ chuyển nhượng này, Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty Kinh Đô cùng Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP lập ra Công ty CP Lavenue.
Khu đất 8-12 Lê Duẩn, quận 1 (TP.HCM) trở thành bãi giữ xe nhiều năm nay. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đến tháng 6-2011, UBND TP đã có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại-dịch vụ, căn hộ cho thuê. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm, hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn. Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433 m2), theo giá trị trường là hơn 621,7 tỉ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu đồng/m2/năm.
Sau đó, Công ty CP Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến ngày 30-6-2016 vào ngân sách nhà nước; Sở TN&MT TP.HCM cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lavenue.
Năm 2015, TTCP có kết luận về việc thanh tra trách nhiệm của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Theo kết luận này, TTCP kiến nghị giao chủ tịch UBND TP.HCM rà soát và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về kết luận thanh tra tại dự án số 8-12 Lê Duẩn. Trong đó có vi phạm về việc giao đất, cho thuê đất không đúng quy định. Bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã sang nhượng 100% phần vốn góp của mình là 50 tỉ đồng cho Công ty Kinh Đô để thu lợi 200 tỉ đồng.
Năm 2016, TTCP có báo cáo Kết luận số 138. Theo đó, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn.
Trong khi đó, theo báo cáo giải trình của UBND TP.HCM thì Lavenue đã đầu tư hơn 700 tỉ đồng để nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, việc thu hồi khu đất để đấu giá là rất khó, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trên địa bàn TP.
Lãnh đạo TTCP thời điểm đó cho rằng giải trình của UBND TP.HCM là có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm cựu lãnh đạo TP.HCM
Theo TTCP, việc UBND TP không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn, chưa nhận được sự phản hồi từ các cơ quan chuyên môn đã chấp thuận cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến bốn công ty chuyển nhượng kiếm lời gây giảm nguồn thu cho ngân sách; giảm tỉ lệ cổ phần góp vốn của Nhà nước từ 50% xuống còn 20%. Việc làm này có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Theo đó, trách nhiệm chung thuộc về chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015. TTCP cũng xác định sai phạm trên có trách nhiệm lãnh đạo các Sở KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, QH-KT, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố, bốn công ty thuộc Bộ Công Thương trong giai đoạn 2011-2015.
TTCP nhận định lãnh đạo các sở, ngành liên quan của TP.HCM có dấu hiệu của việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước, cần phải được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Hoa Tháng Năm đứng ra xin liên doanh với bốn công ty Bộ Công Thương, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP (sau đó lập ra Công ty CP Lavenue) chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, nhà hàng, khách sạn như công ty này tự giới thiệu. Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào công ty này lại trở thành cổ đông lớn và bà Lê Thị Thanh Thúy (Giám đốc Công ty Hoa Tháng Năm) trở thành chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue. |