Dấu ấn pháp lý trong năm COVID-19

Tết Nguyên đán Canh Tý vừa kết thúc thì đại dịch COVID-19 ập đến, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội và kéo theo những hệ lụy lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, các hoạt động pháp lý không “dậm chân tại chỗ” mà vẫn thể hiện được vị trí quan trọng, tính kịp thời trong bối cảnh đặc biệt ấy.

Những phiên tòa COVID-19

Chỉ trong một tháng (từ ngày 27-3 đến 24-4-2020), Chính phủ đã ban hành ba chỉ thị về phòng chống COVID-19 kịp thời và ngay lập tức phát huy tác dụng. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, những văn bản này có tác dụng kiểm soát dịch bệnh và quan trọng hơn là bảo vệ được sức khỏe nhân dân, giúp ổn định kinh tế, xã hội.

Trong hoạt động của các cơ quan tố tụng, nhiều vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn để giải quyết nhanh chóng, chính xác. Các phiên tòa được mở ngay trong tâm dịch, ngoài tính kịp thời còn giúp tuyên truyền, cảnh báo trong cộng đồng, theo chỉ thị của chánh án TAND Tối cao và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Phiên tòa xét xử bị cáo Đào Xuân Anh về tội chống người thi hành công vụ tại TAND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) vào ngày 10-4-2020 là phiên tòa đầu tiên trong cả nước xét xử hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, chiều ngày 4-4-2020, tại một chốt kiểm soát phòng, chống dịch, bị cáo không chấp hành việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt mà còn chửi bới, lăng mạ cán bộ chốt kiểm dịch, tấn công khiến một cán bộ bị thương. Từ lúc khởi tố bị can đến khi xét xử chỉ vỏn vẹn sáu ngày, nhưng đây là kết quả làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm của ba cơ quan tố tụng trong hoàn cảnh đặc biệt khi các vụ án khác phải tạm dừng xét xử vì dịch.

Sau đó, hàng chục vụ án với hàng trăm bị can, bị cáo đã bị điều tra, truy tố, xét xử với nhiều tội danh khác nhau liên quan đến dịch bệnh. Chẳng hạn bị cáo Đinh Vĩnh Sơn bị cơ quan tố tụng tỉnh Lâm Đồng xét xử về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông do đăng tải nội dung sai sự thật về tình hình dịch COVID-19 tại địa phương.

Ngày 1-12-2020 vừa qua TAND TP.HCM xét xử ba bị cáo về tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép khi họ thuê hai căn nhà cho nhóm người Trung Quốc lưu trú trong mùa dịch. Các cơ quan tố tụng ở TP Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam… cũng điều tra, truy tố, xét xử hàng chục vụ án khác.

Bảo vệ TAND TP.HCM  đo thân nhiệt tại cổng tòa cho người đến liên hệ công việc. Ảnh HOÀNG YẾN

Không tách luật giao thông đường bộ

Không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây được coi là dấu ấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua với tư cách là những người trực tiếp xây dựng pháp luật trong cơ quan lập pháp.

Theo đó, ngày 17-11-2020, Quốc hội (QH) đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu (ĐB) QH về vấn đề có nên tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai luật và chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an hay không. Kết quả có 62,7% ĐBQH không đồng ý tách luật, 66,74% ĐBQH không tán thành chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp bằng lái xe.

Hai dự án luật này vấp phải những phản ứng của dư luận và ĐBQH nên Ủy ban Thường vụ QH đã phải phát phiếu lấy ý kiến các ĐBQH theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng thư ký QH thông tin tại kỳ họp QH tới, việc trình một luật hay hai dự luật là do Chính phủ quyết định. Trong khi trước đó 10/19 thành viên Chính phủ từng không đồng ý việc tách luật sau khi Bộ GTVT và Bộ Công an trình hai dự luật nêu trên.

Thực tế cho thấy trong hai dự thảo luật trên có nhiều điểm chồng chéo, trùng lặp, từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đến các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông. Do xây dựng sau nên lướt qua dự luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có nhiều quy định “bê” nguyên từ  Luật GTĐB năm 2008 qua. Trong đó, các quy định bổ sung thì lại giống với dự luật GTĐB sửa đổi. Chẳng hạn trong quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, mỗi dự luật quy định một kiểu…

Điu chưa biết về tòa án TP Thủ Đức

Chiều 9-12-2020, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Trong các cơ quan tư pháp thì TAND TP Thủ Đức được coi là trung tâm bởi hoạt động xét xử là biểu tượng của công lý. Chính vì vậy, rất kịp thời TAND Tối cao đã có ngay một tờ trình về việc thành lập TAND TP Thủ Đức với năm đề xuất khá cụ thể. Đích thân Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày đề án này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là mô hình TP trong TP đầu tiên của cả nước nên việc tổ chức cơ quan tòa án cũng có những đặc trưng riêng.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ngoài bốn tòa chuyên trách hiện có thì TAND TP Thủ Đức sẽ có thêm tòa kinh tế vì số lượng loại án này ngày càng tăng. Với lượng án phải giải quyết khoảng 6.300 vụ, việc/năm (tương đương tòa án cấp tỉnh) thì biên chế sẽ phải tăng vì ba tòa cấp quận hiện nay đang quá tải.

Về chế độ, nếu bố trí tương đương cấp huyện cho các chức danh thì không thể hiện được tính đặc thù, nên phải có chính sách cao hơn.

TAND Tối cao cũng đề nghị sớm cấp đất và ngân sách để kịp thời xây dựng trụ sở với quy mô tương xứng...

Tác dụng lớn từ ba văn bản đặc biệt

Chỉ thị 15 (ngày 27-3-2020), 16 (ngày 31-3-2020) và 19 (24-4-2020) đều là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhưng phù hợp tại những thời điểm khác nhau.

Chỉ thị 15 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch, áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người (không tập trung trên 20 người một phòng; không quá 10 người ngoài công sở).

Chỉ xuất hiện sau đó bốn ngày nhưng Chỉ thị 16 là văn bản thể hiện sự quyết liệt nhất với biện pháp cách ly toàn xã hội. Lúc này dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ở trong nước số ca mắc tăng nhanh và có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nếu như Chỉ thị 15 chỉ yêu cầu các cấp, các ngành ở tư thế khẩn trương, sẵn sàng vào cuộc, chuẩn bị mọi thứ thì đến Chỉ thị 16 là sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương. Kết quả là người dân cả nước đã chung tay vượt qua giai đoạn cam go nhất của đại dịch và đời sống xã hội ổn định cho đến nay.

Chỉ thị 19 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới có ý nghĩa như một thông điệp gửi ra thế giới rằng Việt Nam đã bước đầu vượt qua đại dịch một cách thần kỳ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới