Đấu giá biển số ô tô: Một thúc đẩy của sự minh bạch

(PLO)-  Thất bại về mặt kỹ thuật trong phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên chắc chắn không làm giảm đi tính chính đáng của chính sách, pháp luật đối với vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên đấu giá biển số đẹp cho ô tô đầu tiên thất bại vì trục trặc kỹ thuật. Đây cũng là điều bình thường vì ngay cả hệ thống đăng ký biển số định danh hay VNeID được đầu tư lớn, bài bản cũng trục trặc thì nói chi đến một website đấu giá của một công ty hợp danh chưa bao giờ tiếp nhận lượng truy cập lớn như sáng 22-8.

Thất bại về mặt kỹ thuật trong phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên chắc chắn không làm giảm đi tính chính đáng của chính sách, pháp luật đối với vấn đề này.

Bởi chuyện “mê” biển số đẹp là có thật. Thực tiễn cũng chứng minh các quy định về cấp biển số dù chặt chẽ đến đâu cũng vẫn bị vi phạm, việc cấp biển số xe máy, ô tô không minh bạch còn khiến nhiềucán bộ công an lâm vào lao lý. Thậm chí, chuyện cấp biển số xanh cho doanh nghiệp cũng từng xảy ra bao nhiêu tiêu cực, dư luận.

Đằng sau những lợi ích do đấu giá biển số đẹp cho ô tô mang lại như ngân sách thu được tiền chứ tiền không chảy vào túi riêng của cán bộ, thỏa mãn nhu cầu có thật của một bộ phận người dân, bảo vệ được cán bộ khỏi cám dỗ kim tiền… thì còn là câu chuyện xây dựng chính sách, pháp luật.

Đầu nhiệm kỳ XIV khi Quốc hội (QH) bàn Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) thì biển số đẹp nói riêng, kho số nói chung có được coi là tài sản công hay không là vấn đề lớn, gây nhiều tranh cãi. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận đó là tài sản công nhưng ông nói rằng “luật hóa” cần phải xem lại.

Tại kỳ họp QH cuối năm 2016, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đấu giá biển số đẹp nhằm đem lại hàng ngàn tỉ cho ngân sách nhà nước. Cách ông liệt kê những biển số đẹp theo quan niệm dân gian kiểu “số gánh, số kép, tam hoa, tứ quý, ngũ linh” khiến nhiều ĐB khác và công luận một phen nghiêng ngả. Có lẽ Hội trường Diên Hồng không phải là nơi mà quan niệm dân gian ấy được trình bày.

Tuy vậy, ĐB Cảnh vẫn rất kiên trì nêu kiến nghị này qua nhiều kỳ họp, nhiều ĐBQH cũng dần đồng tình. Bước sang nhiệm kỳ XV, QH chính thức ban hành Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ô tô dù cũng có ý kiến còn “dân gian” hơn khi đề nghị không đưa số “49, 53” vào đấu giá.

Nhưng thực ra, chuyện đấu giá biển số đẹp từng được Cục CSGT đề xuất từ năm 1993. Thậm chí đã có thời điểm Thủ tướng đồng ý chủ trương, thông tư liên tịch về đấu giá biển số xe đã được soạn thảo… Nhưng Luật Đấu giá tài sản vẫn không công nhận biển số xe và kho số là tài sản công và thuộc danh mục đấu giá. Và từ năm 2016 vấn đề này mới được khơi lại và đến nay mới được luật hóa, đi vào cuộc sống. Như vậy, mất 20 năm chính sách này mới thành hiện thực.

Một nghị quyết của QH về thí điểm đấu giá biển số xe sẽ chẳng giải quyết được tất cả những tiêu cực trong lĩnh vực này nhưng đấu giá biển số xe sẽ thúc đẩy lĩnh vực này công khai, minh bạch.

Vì một xã hội muốn phát triển thì điều đầu tiên phải làm là minh bạch, công khai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm