Hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 11-8 nóng lên với chủ đề sửa luật để cởi trói cho doanh nghiệp (DN), khơi thông dòng vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển.
Con đường đau khổ
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, dẫn chứng: “Tôi là người phải trải qua bao con đường đau khổ do “cánh đồng bất tận” của các thủ tục do luật quy định. Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng quá nhiều, quá rườm rà thì doanh nhân khổ, chịu thiệt thòi, tốn kém chi phí tiền bạc, thời gian. Nhưng những tổn thất này được DN đưa hết vào giá bán nhà và cuối cùng người mua phải gánh chịu”.
Ông Đực cho hay trước năm 2006 thủ tục đầu tư khá đơn giản. Đáng tiếc từ khi có Nghị định 90 thì từ năm 2006 đến 2011 các dự án đầu tư chung cư phải có giấy phép xây dựng; từ năm 2010 trở đi lại thêm nhiều thủ tục khác nữa bủa vây.
Do vậy để đầu tư một dự án, ông Đực kể có ba giai đoạn và các giai đoạn này đã đẩy giá nhà tăng cao. Cụ thể ở giai đoạn 1 giá nhà chỉ vào khoảng 5-6 triệu đồng/m2. Giai đoạn 2 phải bổ sung một số hạng mục PCCC, thiết kế, làm giấy phép đầu tư… mới được khởi công. Giá bán lúc này khoảng trên dưới 10 triệu đồng/m2.
Sang giai đoạn 3, theo ông Đực, quan trọng nhất là việc thẩm định thiết kế. Vấn đề này được các cơ quan nhà nước xem đi xem lại nhiều lần, nhiều cấp. Giai đoạn này giá bán không dưới 16 triệu đồng/m2. “Giá bán gồm nhiều yếu tố nhưng không thể loại bỏ thủ tục làm gia tăng giá bán và lãi suất. Đây là hai thòng lọng siết DN” - ông Đực nói.
Từ đó ông Đực cho rằng để tạo điều kiện cho DN nên thực hiện hậu kiểm, vì các thủ tục quá nhiêu khê, quá mất thời gian. “Bộ Xây dựng đưa ra thủ tục quá chặt với mong muốn là quản lý chặt, quản lý tốt hơn nhưng ngược lại càng quản lý chặt thì tình hình càng xấu hơn. Thủ tục nhiều sẽ tăng giá thành” - ông Đực kết luận.
Thủ tục trong lĩnh vực nhà, đất còn phức tạp. Trong ảnh: Giao dịch bất động sản tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu khi nói về những bất cập của Luật Đầu tư cũng nhận xét dự án đầu tư liên quan nhiều yếu tố, thủ tục. “Có những dự án bị điều chỉnh bởi nhiều luật nhưng chỉ tập trung vào một số cơ quan như kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, xây dựng. Có điều các thủ tục này lặp đi lặp lại, hết anh Sở Xây dựng tham mưu lại đến ông khác góp ý. Một dự án nhưng lấy ý kiến nhiều vòng, nhiều cấp khiến thủ tục thêm phức tạp” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Từ vị trí chủ trì hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhận xét phát biểu của ông Đực toát lên mong muốn “bao giờ cho đến ngày xưa”. Ông cho rằng khi nhiều sáng kiến cải cách ở một số địa phương đã “chết” thì dẫn đến thủ tục ngày càng phức tạp thay vì ngày càng thông thoáng.
Các địa phương cũng lúng túng
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội và Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bắc Ninh, cho rằng DN mong muốn kiểm soát, hạn chế được điều kiện kinh doanh. Đáng buồn là chưa có luật nào làm được điều này.
“Từ năm 2008, tỉnh Bắc Ninh đã khảo sát những quy định không phù hợp để cắt bỏ. Tuy nhiên, có nhiều quy định chồng chéo, gây khó khăn cho DN, tỉnh không giải quyết được” - ông Bắc nói.
Đến từ Sở KH&ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Trung Anh cho rằng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… còn nhiều điểm chưa thống nhất nên ngay cả TP.HCM đôi khi cũng rất lúng túng khi kêu gọi thực hiện dự án liên quan.
Ông Trung Anh lấy ví dụ: “Luật Đầu tư không quy định rõ những dự án thuộc thẩm quyền Chính phủ có thuộc chủ trương đầu tư hay không. Chúng tôi có dự án trên 5.000 tỉ đồng thì dự án đó có cần phải có chấp nhận chủ trương đầu tư hay không thì chưa rõ. Theo quan điểm của tôi, đã đấu thầu thì không cần có chủ trương đầu tư nữa” - ông Trung Anh đề nghị.
Nói về Luật Nhà ở, ông Trung Anh phân tích có nhiều bước mà nhà đầu tư phải làm rồi sau đó mới được chấp thuận đầu tư, dự án đầu tư. Nhiều DN thắc mắc việc này phải theo quy định của Luật Đầu tư hay Luật Xây dựng. Nếu không rõ thì DN phải “đi tới đi lui” nhiều lần.
Ngoài ra, mâu thuẫn giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư cũng được ông Trung Anh đề cập, nhất là trong vấn đề đánh giá tác động môi trường và quá trình thủ tục đấu thầu.
“Thực ra quá trình đấu thầu có nhiều nhà đầu tư phá ngang, dẫn tới quá trình phức tạp. Cần phải quy định rõ trường hợp nào đấu thầu, trường hợp nào quyết định chủ trương đầu tư” - ông Trung Anh kiến nghị.
Chính sách nào có lợi cho người dân thì nên làm ngay Sau khi Chính phủ mới được thành lập, có những động thái khác biệt so với trước. Một trong những khác biệt mà tôi nhận thấy là tinh thần tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN. Khởi đầu là việc Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đối thoại với DN tại TP.HCM. Sau đó là Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN và hàng loạt hoạt động khác. Trong đó việc phải có một luật bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Đây là một bước đi mạnh mẽ. Tôi cho rằng bất cứ chính sách nào tạo thuận lợi hơn cho người dân thì nên làm ngay. Không nên chờ đủ 100 vấn đề giải quyết một lúc, mà phát hiện vấn đề nào thì giải quyết vấn đề đó. Đến thời điểm này có những vấn đề đã thống nhất được. Ví dụ, việc bỏ mấy chục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Đó là cải thiện lớn. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM Còn sự phân biệt đối xử Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế nhận định Luật Đất đai còn sự phân biệt đối xử giữa các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước về hình thức sử dụng đất. Cụ thể là bên cho vay nước ngoài không thể nhận thế chấp bất động sản ở Việt Nam. Và điều này được cho là hạn chế việc giải quyết tình trạng khó mua bán nợ xấu. Theo câu lạc bộ, Luật Đất đai cần được sửa đổi để cho phép tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài cũng có được quyền sử dụng đất theo các hình thức như các tổ chức kinh tế trong nước. Tổ chức nước ngoài có thể trực tiếp nhận thế chấp đối với bất động sản hoặc ủy thác cho một ngân hàng tại Việt Nam nhận tài sản bảo đảm cho nhà đầu tư nước ngoài. |