Dầu lửa, cái tên dể hiểu là dầu..làm ra ngọn lửa.
Sáng nay nghe chị đi tìm dầu tây (dầu lửa). Lục khắp cái chợ Bà Rén không tìm ra dầu lửa. Hỏi làm chi nói cần đủ chuyện à ơi à..
Nhớ xưa nhà nào cũng có chai dầu lửa đựng trong chai thủy tinh, nút cái cùi bắp khô để góc nhà. Bà, mẹ luôn dặn dò con trẻ không được để gần ông hỏa lò. Cha mẹ dặn dò đứa lớn, đứa lớn dặn dò đứa em, đứa em hết dặn thì cũng tránh cái chai rất là khuôn phép.
Dầu lửa xưa hay đựng trong chai thủy tinh
Chai dầu lửa làm đủ việc. Cái châm đèn thắp khi bóng tối đà phủ ngoài đường. Ngày xưa còn ngày có điện ngày tắt nên trong nhà luôn chuẩn bị cái đèn dầu lửa; chưa kể những hôm đang sáng bổng nổi tắt ngấm cả xóm, lúc ấy nhanh nhất cũng chỉ có cây đèn dầu lửa.
Dầu lửa làm nhiều việc. Xưa cái garde manger bếp nhà nào cũng có, bốn chân gỗ luôn được đặt bốn cái chén đổ dầu lửa hoà nước trừ kiến hôi men theo đường chân lên tủ chạn tìm đường, tìm sữa, tủ để rời lưng vách gỗ cho kiến khỏi bắt đường để leo.
Chỗ nào có kiến, dán, mối là đổ dầu lửa. Dầu lửa đốt đèn thắp sáng, lỡ bữa nào không có phải thế dầu gazol y như rằng mai sáng hai lổ mũi đen thui ngoáy hoài không hết.
Chái bếp xưa thiệt xưa
Dầu lửa còn có công dụng đặc biệt thời đó là chữa bệnh đau bụng. Trẻ con cả ngày lăn lê bò tòi bụng ỏng đít beo với mớ lá me, trái dại tối về than đau bụng mẹ lấy dầu lửa xoa vào bụng, đau hơn nữa, đôi bữa còn biểu uống tí là cầm liền (!).
Đấy, dầu lửa hay dầu tây (chữ tây ý nhắc dầu có từ thời ta gặp Tây chắc?) ngày nhỏ nhiều công dụng vậy đó. Cho nên mới có chuyện dầu lửa luôn thường trực trong nhà, tối lửa tắt đèn đêm hôm đau bụng tháo dạ là có chai dầu lửa.
Tôi ngày nhỏ đọc sách toàn dưới đèn dầu lửa. Hôm bữa đám giỗ họ hàng gặp nhau anh họ hỏi sao ngày xưa đọc sách đèn dầu lửa cả đêm, bài vở trong cái bóng đèn hột vịt tù mù mà mắt tụi mình tới chừ sáng quắc, bọn nhỏ chừ làm gì cũng sáng trưng sao mắt từ cận tới loạn đủ thị!
Hỏi thì để hỏi chứ anh cũng như tôi biết sao trả lời.
Ừ mà chừ ngẫu hứng muốn mua chút dầu lửa biết tìm đâu ta...