TS Vũ Thị Kim Dung, Trưởng khoa CTXH Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của ngành CTXH cần đặc biệt chú trọng đến thực hành, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. “Thực hành, thực tập là khâu quyết định trực tiếp đến trình độ, năng lực nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên, vì thế cùng với việc trang bị kiến thức, lý thuyết thì phải tăng cường thực hành” - TS Dung nói.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành CTXH cần phải đáp ứng được yêu cầu của xu thế hội nhập quốc tế. Trong đó cần chú trọng đến kiến thức về văn hóa Việt Nam, về sự đa dạng và khác biệt văn hóa, am hiểu chính sách xã hội...
Theo Hiệp hội Dạy nghề và nghề CTXH Việt Nam, hiện Việt Nam có 45 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ CTXH. Hầu hết cơ sở đào tạo ĐH đều đã có chuẩn đầu ra, tuy nhiên do đây là chuyên ngành mới nên việc xây dựng và áp dụng chuẩn đầu ra cũng còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với xu hướng chung của quốc tế và điều kiện ở Việt Nam.