Đầu tư của khu vực tư nhân giảm mạnh, vì sao?

(PLO)- Doanh nghiệp tư nhân hiện nay không dám mở rộng đầu tư vì e ngại các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, thuế, phí chưa đủ lớn hoặc thời gian hỗ trợ không kéo dài như kỳ vọng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối năm luôn là giai đoạn nhu cầu tiền mặt, mua sắm, thanh toán tăng cao, giải quyết công nợ cũng như bổ sung vốn dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường của người dân và doanh nghiệp tăng cao.

Do đó, thời điểm này các doanh nghiệp, người dân thường đối mặt với nỗi lo về tỉ giá, lãi suất. Tuy nhiên, tỉ giá và lãi suất lại đồng loạt “đổ đèo” và hiện chưa thấy điểm dừng.

Lãi suất, tỉ giá lao dốc nhưng tiền vẫn đóng băng

Ngày 2-12, Sacombank thông báo tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mua xe ô tô với mức lãi suất thấp nhất đang áp dụng là 3%/năm. Được biết, để san sẻ những khó khăn về nguồn vốn với khách hàng, Sacombank triển khai gói tín dụng có quy mô 10.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp.

Theo đó, khách hàng sẽ được vay với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 – 12 tháng, gói vay triển khai đến hết ngày 31-1-2024.

Đối với gói 1.000 tỉ đồng cho vay sản xuất kinh doanh trung dài hạn và mua xe ô tô dành cho doanh nghiệp, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 12 tháng còn 8%/năm, gói vay triển khai đến hết tháng 12-2023.

Gần đây nhất, Vietcombank đã hạ lãi suất hai lần liên tiếp chỉ trong chưa đầy một tháng và hiện nay lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ có 4,8%/năm- thấp nhất trong nhóm big 4.

Tỉ giá USD/VND từ đầu tháng 11 đến nay cũng liên tiếp hạ nhiệt, hoàn toàn trái ngược với thời điểm này của năm ngoái.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực cho biết: "Chỉ trong một tháng vừa qua, tiền đồng đã tăng 1,32% so với đồng USD. Nhờ vậy, chúng ta sẽ không còn phải đối mặt với áp lực về tỉ giá trong những tháng cuối năm cũng như trong năm sau. Tôi cho rằng năm nay tỉ giá tăng khoảng 2,5-3%”.

Ngay cả khi các ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động liên tục dò đáy, tỉ giá đã hạ nhiệt nhưng cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn còn yếu.

NHNN cho biết, đến ngày 22-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân là đáng lo nhất

Về đầu tư thì cần quan tâm tới ba dòng vốn, gồm đầu tư công, đầu tư FDI và đầu tư khu vực tư nhân.

TS Cấn Văn Lực cho biết ở mảng đầu tư công số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỉ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỉ đồng. Tương tự, giải ngân đầu tư vốn FDI trong 11 tháng qua đã tăng khoảng 4% so với cùng kỳ.

"Tuy nhiên, đầu tư khu vực tư nhân thì rất thấp, chỉ tăng trên 3% so với đầu năm nay. Trong khi vào giai đoạn bình thường mức tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân phải gấp 3 lần như hiện nay, thậm chí có giai đoạn tăng đến 14%. Ngay cả trong năm 2021, khi mà dịch COVID-19 đang căng thẳng thì mức đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân vẫn đạt 5,2%" - TS Cấn Văn Lực nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết thêm nếu nói đến động lực đầu tư và động lực tăng trưởng thì cần phải nhìn vào đầu tư của khu vực tư nhân.

Trước đây, tăng trưởng đầu tư ở khu vực này đang chiếm 60-65% tổng đầu tư toàn xã hội và đạt mức tăng trưởng từ 15-17% hàng năm.

Năm 2022, dù tăng trưởng GDP của cả nước cao, với hơn 8% nhưng tăng trưởng đầu tư tư nhân chỉ hơn 7%; trong 9 tháng đầu năm nay khu vực này chỉ còn hơn 2,3% - chỉ bằng 1/6, 1/7 so với trước.

“Tín dụng mấy năm trước tăng trưởng 14-15% đã được NHNN đánh giá là cao nhưng doanh nghiệp, người dân vẫn yêu cầu phải nới room tín dụng cao hơn nữa.

Nghĩa là mức tăng trưởng tín dụng 14-15% của những năm trước vẫn chưa đủ đáp ứng so với nhu cầu vốn trên thực tế. Nếu cho tăng trưởng tín dụng “thả cửa” thì có thể đạt 18-20%.

Thế nhưng năm nay, NHNN mở room tín dụng hết cỡ nhưng 10 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt khoảng 7% dù cả hệ thống nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế…

Sự khác biệt này cũng là do đầu tư của khu vực tư nhân giảm mạnh. Vậy nên, với tôi điều lo lắng nhất là đầu tư của khu vực tư nhân.” - TS Cung nhấn mạnh.

TS Cấn Văn Lực cũng khẳng định những con số trên cho thấy các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình vẫn còn băn khoăn, chưa phục hồi niềm tin, còn lo về các vướng mắc. Chính vì vậy phải phục hồi đầu tư của khối tư nhân thì nền kinh tế mới tăng trưởng mạnh trở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm