Chiều 16-12, ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, đã ký công văn khẩn về việc xử lý sự cố tràn dầu trên tàu Hoàng Thiên 99 bị lật tại cảng vận tải Phan Thiết.
Hiện trường tàu lật tại Cảng Phan Thiết. |
Theo đó, vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 15-12, tàu Hoàng Thiên 99 dung tích 288GT, trọng tải 156,2 DWT bị lật tại khu vực trước Bến cảng vận tải Phan Thiết. Trên tàu lúc đó có khoảng 2 tấn dầu DO và khoảng 70 tấn hàng bách hóa.
Nhận được thông tin, lực lượng Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở TN&MT và các đơn vị, lực lượng liên quan đã kịp thời có mặt để cùng chủ tàu và Cảng vận tải Phan Thiết phối hợp xử lý.
Đồng thời liên hệ với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) điều động phương tiện và trang thiết bị để ứng phó sự cố tràn dầu có thể xảy ra.
Đến 1 giờ 30 phút ngày 16-12, Trung tâm SOS đã thực hiện triển khai phao quây dầu (180 m phao) tại khu vực sự cố. Đến 8 giờ 14 phút, xuất hiện dầu DO từ két dầu của tàu rò rỉ ra môi trường biển.
Trung tâm SOS đã tổ chức thu hồi dầu (hút và lọc dầu, sử dụng hai bộ bơm hút dầu, bồn chứa tạm 5 m3), đồng thời thả thêm 150 m phao quây dầu. Khoảng một giờ sau, sau khi bơm hút và lọc đã thu được khoảng 400 lít dầu DO. Hiện do thủy triều lên xuống, áp lực nước thay đổi nên vẫn có dầu rò rỉ ra môi trường.
Trung tâm SOS vẫn thường xuyên, liên tục thực hiện bơm hút và lọc lượng dầu tràn ra môi trường.
Vụ lật tàu không có thiệt hại về người nhưng nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu. |
Khoảng 10 giờ, toàn bộ thành phần tham gia đã có cuộc họp khẩn, kết quả đã thống nhất một số nội dung liên quan đến nhận định giải pháp xử lý tiếp theo, chi phí thực hiện... Lực lượng chức năng nhận định tàu bị lật nghiêng về phía mạn trái, bị chìm một nửa, khả năng dầu tiếp tục rò rỉ ngày càng nhiều trong thời gian tiếp theo.
Dầu DO là dầu nhẹ, khối lượng (2 tấn) tương đối ít. Tuy nhiên nếu tràn ra môi trường cũng gây thiệt hại và ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái biển. Do đó cần phải được thu gom triệt để trong khả năng có thể bằng các phương pháp phù hợp nhất.
Trung tâm SOS đề xuất xử lý khẩn trương, thuê đơn vị trục vớt tàu trong thời gian sớm nhất để thực hiện bơm hút dầu trong két chính.
Sau khi lấy được hết dầu từ két chính ra ngoài, Trung tâm SOS sẽ xử lý làm sạch môi trường biển và đường bờ tại khu vực dầu tràn. Toàn bộ dầu thu được, rác và vật dụng nhiễm dầu phải được thu gom, giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy trình, quy định về xử lý chất thải nguy hại.