Đẩy mạnh giải ngân nhiều dự án để thực hiện các đột phá chiến lược

(PLO)- Có hình thức xử lý thích hợp đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân làm chậm quá trình phân bổ vốn.

Chiều 23-5, Quốc hội (QH) nghe báo cáo của Chính phủ về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023.

Phiên họp toàn thể Quốc hội tại hội trường chiều 23-5. Ảnh: QH

Phiên họp toàn thể Quốc hội tại hội trường chiều 23-5. Ảnh: QH

Còn tư duy nhiệm kỳ

Trình bày trước QH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết số vốn còn lại của chương trình chưa phân bổ, chưa giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 14.151,6 tỉ đồng. Trong đó, trên 13.369 tỉ đồng của 45 dự án đã được Thủ tướng thông báo danh mục và mức vốn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31-3-2023 theo đúng quy định.

Lý giải nguyên nhân phân bổ vốn chậm, ngoài các yếu tố khách quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau”.

Ngoài ra, việc xây dựng, phê duyệt dự án phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất..., thẩm quyền và thủ tục để phân cấp cho địa phương quản lý các dự án.

Một số nơi, năng lực trong triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra.

Bộ trưởng cũng cho rằng ở một số nơi, năng lực trong triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra. Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp HĐND cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

“Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Việc báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thời gian tại Nghị quyết 69/2022/QH15. Việc này có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư dự án. Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả. Có hình thức xử lý thích hợp đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân làm chậm quá trình phân bổ vốn” - Bộ trưởng Dũng trình bày báo cáo.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của QH. Rút kinh nghiệm để đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của QH và kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và báo cáo QH, Ủy ban Thường vụ QH cụ thể việc chậm trễ trong thực hiện các nghị quyết của QH.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH
LÊ QUANG MẠNH

Về quản lý nợ công đến năm 2022, ước tính quy mô nợ công của Việt Nam khoảng 3,6 triệu tỉ đồng, tương đương 38% GDP (giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021). Cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công năm năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính
HỒ ĐỨC PHỚC

338.415 tỉ đồng khó giải ngân hết

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đã được QH quyết nghị là 338.415 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của chương trình là 137.844 tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình là dự án khởi công mới nên khó có thể giải ngân hết được số vốn nêu trên.

Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cần sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Nghị quyết 43 của QH yêu cầu hoàn thành việc giải ngân vốn của chương trình trong hai năm 2022, 2023; Quyết định 1513 của Thủ tướng cũng yêu cầu tỉ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương năm 2023 phải đạt tối thiểu 90%.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của QH đặt ra và chỉ đạo của Thủ tướng, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết.

“Trong trường hợp cần thiết, giao Chính phủ chủ động điều hòa vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương đã được QH quyết nghị, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn và báo cáo QH về việc điều chỉnh này tại kỳ họp thứ bảy QH khóa XV” - Bộ trưởng Dũng trình bày.

Còn tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục

Về sử dụng vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đến ngày 31-1-2023 đã thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 là 529,4 ngàn tỉ đồng, đạt 77,43% kế hoạch và đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có 11/51 bộ và 11/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch.

Năm 2022, có 55.214 dự án đã được phê duyệt quyết toán; qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 9,3 ngàn tỉ đồng.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết thêm công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, dẫn tới kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Về sự cần thiết phải tiếp tục bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong tổng số 186 nhiệm vụ, dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn của 21 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương với số vốn hơn 87.000 tỉ đồng, gồm vốn bố trí cho dự án quan trọng quốc gia chiếm 28,2%; vốn bố trí cho ngành quốc phòng đã được Thường vụ Quân ủy Trung ương thông qua chiếm 19,6%; vốn bố trí cho các dự án có tính lan tỏa của ngành giao thông chiếm 11,8%; vốn bố trí cho ngành an ninh theo Nghị quyết 12-NQ/TW chiếm 4,5%…

Đối với các dự án đang được khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, hoàn thiện phương án phân bổ, gồm một dự án phát sinh yếu tố quan trọng quốc gia, đang trình QH tại kỳ họp thứ năm để xem xét, thông qua chủ trương đầu tư; 56 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm: 16 dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và 40 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án đang trong quá trình đàm phán với nhà tài trợ), hai dự án cao tốc đã có nghị quyết của Bộ Chính trị, hai dự án liên quan đến trách nhiệm của Việt Nam đối với quốc tế và trong nước. Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong tổng số vốn còn lại chưa được phân bổ: Các dự án thuộc lĩnh vực y tế chiếm 26,2%, các dự án thuộc ngành giao thông chiếm 71,6%, còn lại là dự án đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh các nhiệm vụ, dự án nêu trên có tính chất quan trọng, nếu được triển khai, đưa vào khai thác kịp thời sẽ góp phần tích cực trong việc thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, QH, Chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo không gian, động lực phát triển mới cho các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương. Bên cạnh đó sẽ nâng cao chất lượng an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng. Trường hợp chuyển số vốn chưa phân bổ vào dự phòng chung hoặc không được tiếp tục phân bổ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ, dự án.•

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giá điện do Nhà nước định giá,
có lợi cho người dân

Chiều 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận về Luật Giá (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng, các đại biểu (ĐB) đã nêu ý kiến về việc tăng giá, có nên giữ giá sàn vé máy bay và giá điện, quy định giá sách giáo khoa…

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trong dự luật vẫn chưa thực sự thuyết phục. Tại sao chọn thịt heo, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp… vào danh mục bình ổn giá? Bởi theo bà Lan, kinh nghiệm trong dịch COVID-19 vừa qua cho thấy gạo, nước mắm… là thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, không nên quy định cụ thể trong danh mục, nên chăng danh mục này nên mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết.

“Sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn” - bà Lan nói và đề nghị dự luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá. Điều này nhằm để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Liên quan đến giá dịch vụ hàng không nội địa, nhiều ĐBQH đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH và cho rằng cần quy định về giá trần và bỏ giá sàn đối với giá dịch vụ hàng không nội địa nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Về giá điện, ĐB Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho rằng trong nhóm danh mục hàng hóa bình ổn giá có 10 hàng hóa, dịch vụ nhưng không bao gồm giá điện, mà mặt hàng này do Nhà nước định giá. “Cần bổ sung mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá” - ĐB Luận nói.

Nêu lý do, ĐB Luận cho rằng đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

“Thực tiễn thời gian qua cho thấy loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng” - vị ĐB nói và đề nghị loại hàng hóa này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp để ổn định giá và đưa vào danh mục bình ổn giá.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị đưa giá điện vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay dự luật lần này trình QH đã được tiếp thu rất nhiều lần và trình các cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Lý giải vì sao không đưa giá điện vào diện bình ổn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay giá điện đang được Nhà nước định giá, có lợi cho người dân hơn. Còn đối với quy định về giá trần và giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa, việc giữ giá trần và bỏ giá sàn dịch vụ hàng không nội địa là để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người có thu nhập thấp có thể tiếp cận dịch vụ hàng không, giảm chi phí cho xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm