ĐBQH: Giá trị giao dịch dưới 100 triệu mới xử rút gọn là không phù hợp

(PLO)- Các đại biểu và Chánh án TAND Tối cao nhìn nhận quy định của dự thảo về "giá trị giao dịch dưới 100 triệu mới được giải quyết theo thủ tục rút gọn" là chưa ổn, cần chỉnh lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến quy định về việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại tòa án.

Giá trị giao dịch dưới 100 triệu mới theo thủ tục rút gọn

Theo điều 70 dự thảo, một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là khi giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

“Chúng tôi đã phát biểu về vấn đề này nhưng chưa được tiếp thu”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn), người đầu tiên bấm nút phát biểu, nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo bà Thủy, nếu quy định như dự thảo đồng nghĩa với việc từ 101 triệu trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án. “Trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp là lớn hay nhỏ, là 100 triệu, 1 tỉ hay 10 tỉ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không”- bà Thủy nói.

Nữ ĐB cho rằng rất nhiều trường hợp, giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng nhưng tình tiết lại rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng và sau đó không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết. Những trường hợp như vậy không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp, mặc dù chỉ là vài triệu đồng.

Đánh giá quy định trên “chưa phù hợp với thực tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị dự thảo không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.

“Chúng tôi đề nghị chỉ thiết kế một loại điều kiện gắn vào tình tiết vụ án phải rõ ràng, chứng cứ phải đầy đủ, không có đương sự ở nước ngoài và không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài”- bà Thủy nói.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đồng tình, ĐB Lê Xuân Thân (ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) nên áp dụng theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn. “Mình nghĩ là bảo vệ quyền cho người tiêu dùng nhưng thực ra lại là khống chế, đặt thêm một rào cản nữa trong khi theo Bộ luật Tố tụng dân sự, trên 100 triệu vẫn được xét xử theo thủ tục rút gọn”- ông Thân nêu quan điểm.

Sẽ tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo khả thi

Nêu quan điểm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng tình với nhận định quy định như điều 70 dự thảo “thực chất là hạn chế quyền của người tiêu dùng”. Tuy nhiên, ông Bình cho hay tham khảo kinh nghiệm thế giới đối với các vụ án có quy mô nhỏ (quy mô ở đây chính là giá trị), các nước cũng giải quyết rất đơn giản.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao dẫn luật của Đức quy định tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro, Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Quy định này, theo ông, để tránh trường hợp chi phí của xã hội cho giải quyết một vụ án quy mô nhỏ còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp.

“Có lẽ Ban soạn thảo cũng tham khảo kinh nghiệm thế giới”- ông Bình nói. Tuy nhiên ông cho rằng quy định như dự thảo là chưa thỏa đáng. “Nếu quy định quy mô tranh chấp dưới 100 triệu, dù vụ án có thể phức tạp, không thỏa mãn các quy định tại điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng giải quyết theo trình tự rút gọn thì thỏa đáng hơn”- ông Bình góp ý.

Giải trình sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy lý giải cơ sở đề xuất mức 100 triệu này căn cứ vào thực tiễn quốc tế. Ông Huy cho hay thông lệ quốc tế cho thấy quy mô tranh chấp khoảng 5.000 USD, các nước có thể áp dụng thủ tục rút gọn để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng.

“Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, đặc biệt đối với Bộ luật Tố tụng dân sự”- ông Huy nói.

Băn khoăn về quy định công khai thông tin cá nhân, doanh nghiệp bị kiện

Điều 72 dự thảo luật quy định khi tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vì mục đích công cộng khởi kiện vụ án dân sự thì có trách nhiệm thông báo công khai các thông tin về người khởi kiện, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị kiện và về nội dung khởi kiện trên trang thông tin điện tử của tổ chức xã hội và tại trụ sở địa chỉ cơ quan của tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc quy định trên vì cho rằng việc công khai thông tin này vừa không phù hợp với quy định pháp luật liên quan, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị kiện.

Nữ ĐB đề nghị ban soạn thảo đánh giá tác động thực tế của quy định này để cân nhắc, tránh gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc việc lợi dụng quy định nói trên để phát sinh cạnh tranh không lành mạnh…

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tất cả các hiệp định đều khuyến cáo Việt Nam phải nội luật hóa ‘nghĩa vụ của bên thua’.

“Trường hợp người tiêu dùng đi kiện không đúng, lợi dụng việc đi kiện để làm mất uy tín của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không bán hàng được, gây thiệt hại cho họ thì pháp luật của chúng ta chưa đặt ra nghĩa vụ của bên thua”- ông Bình cho biết.

Đề nghị cân nhắc quy định nói trên, Chánh án Tối cao lưu ý đây vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền của doanh nghiệp và người kiện chưa chắc đã đúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm