ĐBSCL: Khó ngăn dịch lây lan trên vịt chạy đồng

Hiện một số tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL đang xuất hiện dịch cúm A/H5N1 nhánh mới trên các đàn thủy cầm (ngan, vịt...). Loại virus mới này xuất hiện dù trước đó các loài thủy cầm đã được tiêm ngừa, lại khó phát hiện nên công tác phòng chống, ngăn chặn việc lây lan đang gặp khó khăn, nhất là với vịt chạy đồng.

Ghi nhận tại một số địa phương, hiện vào mùa vịt chạy đồng nên các địa phương kiểm soát rất gắt gao. Mỗi khi có đàn vịt từ địa phương này đến địa phương khác là cơ quan chức năng xuất hiện, kiểm tra ngay. Chủ vịt sau khi xuất trình đủ giấy kiểm dịch cũng như giấy xác nhận đàn vịt đã được tiêm phòng cúm A/H5N1, địa phương mới cho nhập đồng. Nếu không có đủ giấy tờ trên, địa phương cương quyết không cho vịt vào đồng.

 
Vịt chạy đồng ở Hậu Giang. Ảnh: GIA TUỆ

Ở Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng trạm Thú y huyện Châu Thành A, cho biết hiện trạm phối hợp cùng hệ thống thú y cơ sở và chính quyền các xã, ấp kiểm tra, rà soát đàn vịt chạy đồng từ các địa phương khác vào địa bàn để kiểm tra việc tiêm phòng hoặc giấy kiểm dịch xuất tỉnh, nếu không xuất trình được giấy tờ chứng minh tiêm phòng hay không có giấy kiểm dịch xuất tỉnh ngay lập tức tiến hành trục xuất khỏi địa bàn. Vừa qua, đàn vịt trên 1.000 con từ Sóc Trăng vào huyện Châu Thành A đã bị lập biên bản và trục xuất ngay khỏi địa bàn vì chủ đàn vịt không xuất trình được giấy kiểm dịch xuất tỉnh.

Ở Đồng Tháp, các huyện Lấp Vò, Lai Vung và TP Sa Đéc đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp Võ Bé Hiền cho rằng quản lý đàn vịt chạy đồng rất khó khăn vì tính lưu động khi hết thức ăn đồng này là di chuyển sang đồng khác, việc di chuyển bằng đường thủy chằng chịt, các trạm của lực lượng thú y khó có cơ sở pháp lý bắt buộc chủ các phương tiện thủy phải dừng để kiểm tra, xử lý.

Một cán bộ thú y cho biết thực tế đàn gia cầm đã được tiêm vaccine nhưng vẫn bị cúm A/H5N1 và địa phương không tài nào phát hiện đàn vịt đó có nhiễm cúm A/H5N1 hay không. Bởi một chủng virus mới là cúm A/H5N1 nhánh C đã xuất hiện tại ĐBSCL.

Theo PGS-TS Trần Ngọc Bích (bộ môn Thú y ĐH Cần Thơ), virus cúm A/H5N1 nhánh C đã xuất hiện ở khu vực phía Bắc vào thời điểm cuối năm 2013 và đầu năm 2014, chủng virus này xâm nhập vào khu vực phía Nam, trong đó có vùng ĐBSCL, có thể qua đường vận chuyển gia cầm giống hoặc sản phẩm gia cầm.

Cũng theo PGS Bích, năm 2013 khu vực phía Bắc sử dụng vaccine cúm A/H5N1 chủng Re-6 để tiêm phòng cho gia cầm. Còn phía Nam sử dụng vaccine chủng Re-5, hiện nay do xuất hiện cúm A/H5N1 nhánh C nên vaccine chủng Re-5 không còn bảo hộ được cho gia cầm nên ngành thú y đã cấp và khuyến cáo các địa phương sử dụng vaccine chủng Re-6 để tiêm phòng. Vaccine này sẽ phòng ngừa tỉ lệ 100% cho cả chủng virus nhánh 1.1 và nhánh C.

“Hiện cúm trên đàn gà dễ nhận biết vì gà bị cúm A/H5N1 là chết nhưng với thủy cầm như vịt, ngan thì không thể hiện rõ ràng nên khó phát hiện dù đã bị nhiễm cúm. Các địa phương ở vùng ĐBSCL vào mùa vịt chạy đồng, di chuyển tìm thức ăn liên tục tiềm ẩn nguy cơ dịch cúm lây lan lớn” - PGS Bích nhận định.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm