ĐBSCL nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Chiều 5-4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KKH&ĐT) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị chiều 5-4. Ảnh: LN

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của nước ta đã đề ra định hướng phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những trụ cột thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Theo ông Đông, hiện nay, trình độ lực lượng lao động của Việt Nam đang đặt ra những thách thức cho yêu cầu chuyển đổi số nền kinh tế.

Lao động Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm có kỹ năng thấp với tỉ lệ hơn 40% (cao nhất Đông Nam Á) và chỉ khoảng 10% lực lượng lao động có kỹ năng cao (so với hơn 20% của Malaysia, Philippines và hơn 50% của Singapore). Trong khi đó, để thích ứng với các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của quá trình chuyển đổi số và tự động hóa đòi hỏi số lượng lớn lao động có kỹ năng cao.

ĐBSCL chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực số - một trong những yếu tố cốt lõi để đồng bằng phát triển bền vững kinh tế số đang gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ bằng nhiều giải pháp và chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài.

Đại diện Bộ KH&ĐT, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ và một số tỉnh, thành ĐBSCL bấm nút công bố Sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Hội nghị này nhằm đánh giá về thực trạng đổi mới sáng tạo của khu vực, trao đổi về các khó khăn, thách thức cũng như các cơ hội để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ số đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cũng tại hội nghị này, Bộ KH&ĐT giới thiệu và công bố Sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Innitiative – MII), trong đó bao gồm những hoạt động cụ thể trong năm 2022. Sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự quan tâm, động lực và góp phần kết nối các nguồn lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho ĐBSCL.

Theo ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong nhằm tìm kiếm quy tụ các giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL. Chọn ĐBSCL ưu tiên vì đây là khu vực nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác hết. Cạnh đó, nguồn nhân lực tuy có nhiều tiềm năng nhưng kỹ năng lao động còn ở mức trung bình.

Mục tiêu của Sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong gồm huy động các nguồn lực và giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL; hỗ trợ phát triển kinh tế  dựa trên đổi mới sáng tạo cho khu vực; thúc đẩy, nâng cao nguồn nhân lực cho chuyển đổi số…; Phát triển bền vững về môi trường và bình đẳng giới cho khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm